Những năm gần đây, khi Bộ GD và ĐT chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy thì phong trào soạn bài giảng điện tử được giáo viên các trường học trong tỉnh sôi nổi hưởng ứng. Ở các trường, đội ngũ giáo viên đều tự học, tự nghiên cứu phương pháp soạn, giảng bằng phương tiện điện tử với chương trình phần mềm Powerpoint. Nhiều giáo viên khi thực hiện ứng dụng CNTT trong soạn giáo án điện tử cho rằng, bài giảng bằng giáo án điện tử được minh họa bằng nhiều hình ảnh, âm thanh sinh động bổ trợ kiến thức cho học sinh, từ đó tạo hứng thú khám phá tri thức cho học sinh. Việc thao tác với giáo án điện tử cũng bảo đảm tính kế hoạch và chất lượng của bài học vì nội dung, quy trình cụ thể của giáo án đã được giáo viên hoàn chỉnh trước khi lên lớp. Giảng dạy bằng giáo án điện tử còn huy động hiệu quả vai trò tích cực của cả thầy và trò trong việc tìm kiếm, xây dựng kiến thức bài học, tạo không khí sôi nổi cho mỗi giờ lên lớp, đồng thời đáp ứng tính ứng dụng CNTT và bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận tin học cho học sinh…
Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn Ngoại ngữ. |
Đến nay, việc triển khai giáo án điện tử đã trở thành phổ biến trong đội ngũ giáo viên các trường phổ thông. Để giảng dạy bằng giáo án điện tử, ngoài chuyên môn vững, giáo viên cần có trình độ tin học nhất định. Đây là yêu cầu đầu tiên, quyết định thành công của giờ học. Vì thế, khi tiếp nhận chủ trương giảng dạy bằng giáo án điện tử, ngành GD và ĐT đã tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên môn, lập kế hoạch triển khai giáo án điện tử trong nhà trường. Nhiều đơn vị, trường học trang bị máy vi tính, máy chiếu phục vụ việc dạy và học. Thầy giáo Trần Văn Lũy, Hiệu trưởng Trường THCS Trực Đông (Trực Ninh) cho biết: Trong những năm gần đây, nhà trường đã phát động cán bộ, giáo viên hưởng ứng chủ đề ứng dụng CNTT trong dạy học, đồng thời định hướng và khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên học, nâng cao trình độ tin học. Được sự quan tâm của huyện và ngành GD và ĐT, nhà trường đã trang bị các phòng máy dạy vi tính cho học sinh, sử dụng máy vi tính trong hoạt động văn phòng và dành cho giáo viên học tập, khai thác, trao đổi bài giảng trên mạng internet; trang bị máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy. Nhà trường tạo điều kiện về phương tiện, thiết bị để giáo viên tự học tin học… Đến nay, các giáo viên trong nhà trường đều thích ứng và bắt nhịp tốt việc ứng dụng CNTT vào dạy học. Nhà trường khuyến khích giáo viên soạn giáo án trên máy tính, hầu hết các môn học đều có kho tư liệu phong phú để bài giảng thêm phong phú, kích thích sự say mê học tập của học sinh. Hiện nay, phần lớn các trường học trong tỉnh sử dụng phần mềm công cụ Powerpoint để thiết kế bài giảng kết hợp với máy chiếu giúp giáo viên tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc ghi bảng, trong thao tác sử dụng những loại đồ dùng trực quan truyền thống hay hướng dẫn học sinh thực hiện các loại bài tập, giới thiệu tài liệu tham khảo, từ đó có điều kiện tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận, phát huy tính tích cực, say mê, hứng thú trong học tập, có điều kiện hướng dẫn cho học sinh tiếp cận lượng kiến thức phong phú, sâu rộng và sinh động. Đặc biệt, các phần mềm có nhiều ưu điểm trong chức năng nghe nhìn, giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt hơn. Việc áp dụng CNTT vào giảng dạy thể hiện rõ nét nhất qua các giáo án điện tử. Nhiều giáo viên có thể sử dụng tin học tối thiểu trình độ A vào công tác giảng dạy và soạn giáo án bằng CNTT. Trong các tiết dạy có ứng dụng CNTT, bài giảng của giáo viên được thể hiện khá sinh động. Các hình ảnh, sơ đồ, mô hình giúp học sinh hứng thú, dễ hiểu, dễ nhớ. Nhiều giáo viên đã thực hiện thành công đổi mới phương pháp dạy học qua việc ứng dụng CNTT và được đánh giá cao tại các kỳ hội giảng các cấp trong năm học vừa qua.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và giảng dạy cũng còn những hạn chế. Do kiến thức, kỹ năng về CNTT ở nhiều giáo viên còn hạn chế nên khi giảng dạy bằng giáo án điện tử vẫn chưa thể phát huy được tính tích cực và hiệu quả của phương pháp này. Việc sử dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy học đôi khi chưa được nghiên cứu kỹ, dẫn đến việc ứng dụng không đúng chỗ, không đúng lúc, nhiều khi dẫn đến việc quá lạm dụng công cụ CNTT khi giáo viên cũng như học sinh chỉ chú ý đến các hiệu ứng, hình ảnh lạ mắt, vui nhộn của bài giảng mà chưa quan tâm đúng mức đến nội dung cốt lõi cần phải truyền đạt trong bài học. Có những bài giảng giáo án điện tử còn mang tính hình thức, nhiều giáo viên chỉ sử dụng màn hình trình chiếu thay cho bảng đen truyền thống, mà không có sự đổi mới phương pháp dạy, vẫn theo lối truyền thụ một chiều; khi có sự cố thì lúng túng trong việc xử lý, dẫn đến bài giảng gián đoạn. Nguyên nhân do công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, giáo viên ở nhiều trường mới chỉ dừng lại ở việc “xóa mù” tin học nên không ít giáo viên chưa đủ kiến thức, mất nhiều thời gian và công sức để sử dụng CNTT trong dạy học một cách có hiệu quả. Nhiều giáo viên, đặc biệt giáo viên cao tuổi gặp khó khăn trong việc làm quen với máy tính nên việc ứng dụng các phần mềm và CNTT vào bài giảng là một trở ngại lớn. Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, trang thiết bị CNTT ở nhiều trường còn thiếu, không đủ điều kiện để giáo viên thực hành thường xuyên bài giảng với CNTT nên kỹ năng ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên không được phát huy tốt. Số lượng máy vi tính dành cho giáo viên sử dụng có hạn, nhiều trường chỉ có 1 máy chiếu đa năng, trong khi đó không phải giáo viên nào cũng có điều kiện mua máy vi tính, do vậy điều kiện tiếp cận và tần suất dạy học bằng CNTT của giáo viên cũng bị hạn chế. Điều này đòi hỏi giáo viên không chỉ học tập để sử dụng thành thạo máy vi tính mà còn phải biết ứng dụng sáng tạo vào soạn giáo án và giảng dạy. Đồng thời không coi ứng dụng CNTT là “cứu tinh” trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy mà việc giảng dạy thuyết trình vẫn cần được giáo viên lưu ý, nhưng với một tinh thần đổi mới, sao cho bài giảng có sức cuốn hút hơn, thông tin nhiều hơn và tùy từng bài giảng, giáo viên ứng dụng CNTT một cách hợp lý để giờ dạy đạt hiệu quả cao… Ngành GD và ĐT cần có sự chỉ đạo thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi để các trường và giáo viên ứng dụng hiệu quả CNTT vào quản lý và giảng dạy. Mặt khác, các trường học cần tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động này, góp phần làm thay đổi nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản lý giáo dục, tạo sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quan tâm đầu tư phương tiện, thiết bị, đặc biệt là việc đào tạo đội ngũ giáo viên say mê, thích ứng với yêu cầu mới, coi đó là nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả dạy và học./.
Bài và ảnh: Hồng Minh