Sau gần 2 năm thực hiện chỉ thị của Bộ TT và TT về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện thoại không dây, quản lý chất lượng thiết bị phát thanh, truyền hình, truyền thanh không dây, đến nay, tình hình can nhiễu do các đài phát thanh vẫn tiếp tục xảy ra.
Cán bộ Trung tâm Tần số khu vực V đo kiểm thiết bị của đài phát thanh không dây phường Lộc Vượng (TP Nam Định). |
Trước thực trạng trên, từ đầu năm đến nay, Sở TT và TT đã phối hợp với Trung tâm Tần số khu vực V (Cục Tần số vô tuyến điện) tổ chức kiểm tra 26 đài phát thanh không dây trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện 20 thiết bị vi phạm về tần số vô tuyến điện. Các đơn vị vi phạm đều không đáp ứng các quy định về quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị, công suất, độ cao anten hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy phép. Đặc biệt có 9 thiết bị thuộc đài phát thanh không dây của các xã: Mỹ Hưng và Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); Hải Phương, Hải Hà (Hải Hậu); Xuân Châu, Xuân Thủy (Xuân Trường); Phương Định, Trực Thái (Trực Ninh); Nam Hoa (Nam Trực) sử dụng các tần số tạo ra phát xạ không mong muốn khi hoạt động, gây ảnh hưởng, can nhiễu đến dải tần số đang hoạt động của hãng hàng không. Các đơn vị vi phạm đều là đài phát thanh cấp xã. Nguyên nhân do các đơn vị hỗ trợ cũng như đơn vị thi công lắp đặt đều không hướng dẫn các đài phát thanh xã, thị trấn phải đăng ký để được cấp phép và sử dụng tần số. Bên cạnh đó, còn do các địa phương cấp huyện bỏ ngỏ trong công tác chỉ đạo, nhắc nhở về sử dụng tần số vô tuyến điện ở các xã, thị trấn. Sự khó khăn về bố trí nhân lực, thiết bị hoạt động trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra tần số cũng là nguyên nhân gây ra các vi phạm này. Theo quy định, Sở TT và TT không được giao chức năng kiểm tra trực tiếp, nếu muốn tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra phải có kế hoạch, đề xuất và có sự phối hợp của Trung tâm Tần số khu vực. Sau đó, khi có kết luận của Trung tâm Tần số vô tuyến điện, Sở TT và TT mới căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý. Việc phát hiện vi phạm ở những khu vực xa trung tâm phải sử dụng đến thiết bị kiểm soát lưu động gây tốn kém cả vật chất lẫn nguồn nhân lực… Trước thực trạng này, Sở TT và TT đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức chấp hành luật của các đơn vị. Ngoài ra, Sở TT và TT trực tiếp hướng dẫn các đơn vị các bước thực hiện theo quy định như: Đăng ký cấp phép, gia hạn cấp phép, nộp lệ phí sử dụng tần số… Tại 9 đài phát thanh không dây có tần số gây phát xạ không mong muốn, ảnh hưởng đến tần số của hãng hàng không, Sở TT và TT đã yêu cầu các đơn vị bảo đảm đúng quy định về thời hạn, lộ trình cấp phép và sử dụng tần số mới theo quy hoạch.
Thời gian tới, Sở TT và TT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền Luật Tần số vô tuyến điện; các nguy cơ tác động và mức độ thiệt hại nếu sử dụng sai tần số hoặc tần số gây phát xạ, ảnh hưởng đến các dải tần số khác, đồng thời phân công cán bộ chuyên ngành các cấp tăng cường công tác quản lý chất lượng thiết bị phát sóng truyền thanh không dây ngay từ khi các đơn vị lắp đặt đưa vào sử dụng, nhanh chóng xoá bỏ hoàn toàn tình trạng sử dụng các thiết bị phát thanh không dây có tần số hoạt động không đúng quy hoạch, không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật. Các đơn vị cố tình không thực hiện theo hướng dẫn, sẽ bị xử phạt theo quy định./.
Bài và ảnh: Thuý Vy