Thực hiện Nghị quyết TW2 (khóa VIII) của Đảng về định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW2 của Tỉnh ủy, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thường xuyên chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KH và CN, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng KH và CN vào sản xuất và đời sống, từng bước đổi mới cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phân tách hạt khác giống tại Cty CP Giống cây trồng Nam Định. |
Tuy nhiên thực tế nguồn nhân lực KH và CN trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng. Nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước (trừ lực lượng giáo viên phổ thông) của tỉnh có trên 6.300 người có trình độ từ trung cấp trở lên. Nguồn nhân lực KH và CN có trình độ cao đẳng trở lên hiện vẫn thiếu cân đối so với cơ cấu kinh tế và không đồng đều ở các địa phương trong tỉnh. Trong 9 huyện thì huyện Nghĩa Hưng có số cán bộ trình độ từ cao đẳng trở lên lớn nhất tỉnh với 222 người, thấp nhất là huyện Mỹ Lộc có 125 người. Lực lượng KH và CN trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước của tỉnh tập trung chủ yếu ở Thành phố Nam Định, ở bậc đào tạo càng cao thì tỷ lệ càng lớn (bậc cao đẳng 247 người, chiếm 56,7%, bậc đại học chiếm 64,4% và trên đại học là 71,2%). Bên cạnh đó, cơ cấu nguồn nhân lực KH và CN cũng không cân đối giữa các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; kỹ thuật công nghiệp, công nghệ thông tin - môi trường so với lĩnh vực khoa học quản lý, kinh tế và luật; kế toán, tài chính, tín dụng và ngân hàng. Trong tổng số 4.381 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, có 336 người hoạt động trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, 583 người làm việc trên lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp, công nghệ thông tin - môi trường, trong khi đó, lĩnh vực khoa học quản lý, kinh tế và luật có tới 885 người. Trong thực tế sản xuất kinh doanh, một số đơn vị đã đạt được thành tựu trong việc nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm mới mang hàm lượng chất xám cao nhưng đều phải nhờ vào nguồn nhân lực KH và CN của các địa phương khác, của Trung ương và các chuyên gia nước ngoài. Cty TNHH Mai Thanh, CCN Nghĩa Sơn - Nghĩa Hưng chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng ống nhựa cao cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mới đi vào sản xuất được 3 năm nhưng Cty đã chủ động xây dựng cơ sở sản xuất tại CCN Nghĩa Sơn rộng trên 1.000m2 với số vốn khoảng 9 tỷ đồng và 7 giàn máy sản xuất ống nhựa công nghệ Nhật Bản có công suất 1.800 tấn/năm để sản xuất các loại ống nhựa phục vụ công trình cấp thoát nước, hệ thống tưới tiêu nước phục vụ nông nghiệp và tái chế nhựa cứng khó phân huỷ sản xuất ống nhựa phục vụ các công trình cấp thoát nước, góp phần bảo vệ môi trường. Đầu năm 2010, Cty đã đầu tư dây chuyền sản xuất ống nhựa PVC và HDPE nhập khẩu từ Đài Loan trị giá 15 tỷ đồng. Dây chuyền có công suất 400kg/h. Cty đang có kế hoạch mở rộng diện tích, lắp đặt thêm dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên để vận hành hệ thống máy móc này, Cty đã phải thuê chuyên gia để lắp đặt, hướng dẫn vận hành sản xuất. Cty gặp phải nhiều phiền hà vì phải mời chuyên gia chính hãng khi hệ thống máy móc gặp sự cố. Cty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định) là đơn vị nổi tiếng với các sản phẩm cơ khí chất lượng cao, đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Yếu tố thành công của các sản phẩm này là ứng dụng kỹ thuật đúc chân không theo công nghệ EU là nhờ Cty đã nhận được sự hợp tác của Trường Đại học Bách khoa.
Hiện nay, tỉnh ta đang thiếu đội ngũ cán bộ KH và CN có trình độ cao trong các ngành kinh tế, KH và CN mũi nhọn; thiếu cán bộ có trình độ cao về quản lý, sản xuất, quản lý kinh tế và quản lý xã hội; thiếu những chuyên gia có khả năng đảm đương những dự án lớn về KH và CN; thiếu chuyên gia đầu đàn để tập hợp, đào tạo, hướng dẫn lớp cán bộ trẻ, cán bộ kế cận về hoạt động KH và CN. Thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ thiếu kiến thức và năng lực thực hành do không được cập nhật kiến thức thường xuyên về KH và CN, về quản lý sản xuất, quản lý kinh tế. Do những đặc điểm trong đào tạo và do chưa có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp cận với những thành tựu khoa học mới, tỉnh ta thiếu đội ngũ cán bộ có kiến thức ở các lĩnh vực KH và CN hiện đại, đặc biệt là năng lực triển khai công nghệ, thích nghi cải tiến và tiến tới tạo ra công nghệ mới mang lại hiệu quả cao trong sản xuất; tư vấn cho doanh nghiệp trong việc đổi mới, lựa chọn và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, còn nguyên nhân bắt nguồn từ việc chế độ lương và phụ cấp còn eo hẹp nên một số cán bộ KH và CN xoay sở tăng thu nhập, ít tập trung vào công tác chuyên môn nghiên cứu khoa học nâng cao trình độ, dẫn đến lãng phí chất xám. Từ thực trạng trên, để phát triển nguồn nhân lực KH và CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, tỉnh cần xây dựng chiến lược tuyển dụng cán bộ KH và CN cụ thể, trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu thực tiễn. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng lực lượng cán bộ KH và CN, giảm thiểu và tuyển chọn có chọn lọc lực lượng khoa học quản lý, để khắc phục tình trạng sự mất cân đối trong nguồn nhân lực hiện nay. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ KH và CN như: Thực hiện chế độ kiêm nhiệm đối với cán bộ KH và CN; doanh nghiệp có thể ký hợp đồng nghiên cứu khoa học ứng dụng với các cán bộ KH và CN là công chức Nhà nước để lực lượng cán bộ KH và CN luôn được hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn. Tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ KH và CN phù hợp với sở trường và chuyên môn được đào tạo và yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Mặt khác cần tiêu chuẩn hóa cán bộ cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nghệ mũi nhọn của tỉnh. Song song với các giải pháp mang tính chiến lược của tỉnh, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường phát hiện nhân tố mới để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hóa theo xu hướng trẻ hóa và chuyên môn hóa cao. Gắn trách nhiệm đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao phù hợp với đặc thù công việc của mình để có thể làm chủ công nghệ và tiến tới khả năng lựa chọn công nghệ phục vụ thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh vào nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương