Những năm qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) đã ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để phục tráng các giống cây trồng bị thoái hóa sau nhiều vụ sản xuất, đồng thời nhân nhanh giống cây trồng với số lượng lớn, đồng đều về mặt di truyền và là nguyên liệu để lai tạo ra các con lai tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Chăm sóc giống chuối tiêu hồng trong phòng thí nghiệm ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN). |
Khoai tây là cây trồng vụ đông chủ lực ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trước đây, do không chủ động được nguồn giống và việc nhân giống bằng củ dễ bị lây nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh dẫn đến thoái hóa giống nên diện tích, năng suất và sản lượng khoai tây vụ đông trong tỉnh không ổn định. Vì vậy, khoai tây là giống cây trồng đầu tiên ở tỉnh ta được nhân giống áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Nhận chuyển giao công nghệ của Viện Sinh học Nông nghiệp (Bộ NN và PTNT), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh đã triển khai xây dựng phòng nuôi cấy mô và cung cấp mô làm vật liệu khởi đầu cho các công đoạn tiếp theo như nuôi cấy mô trong ống nghiệm để tạo nên củ và tiến hành trồng trong nhà lưới tạo nên giống khoai tây sạch bệnh (được gọi là giống khoai tây siêu nguyên chủng sạch bệnh). Các giống khoai tây Solara, Mariela (Đức), KT3 và TO3 nhân thành công theo phương pháp nuôi cấy mô với năng lực 7 vạn củ siêu bi mỗi năm, đáp ứng được nguồn giống cho khoảng 20% tổng diện tích trồng khoai tây vụ đông trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc khống chế được các loại bệnh héo xanh và chảy mủ do vi rút của khoai tây, việc nhân giống từ phương pháp nuôi cấy mô còn giúp cây trồng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và thời gian sinh trưởng ngắn trong khoảng 80-85 ngày, phù hợp với điều kiện canh tác trên diện tích đất cấy 2 vụ lúa/năm ở các địa phương trong tỉnh. Từ các HTX làm điểm như: Lương Kiệt (Vụ Bản), Trực Chính (Trực Ninh), Thịnh Tiến, Hồng Phong (Giao Thủy)... đến nay, diện tích giống khoai tây sạch bệnh tăng nhanh ở các huyện: Vụ Bản, Ý Yên và Nam Trực. Chị Đỗ Thị Đoan Trang, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết: Trong quá trình áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, Trung tâm gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu thốn… Tuy nhiên với quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã có nhiều sáng tạo như: Tận dụng ánh sáng tự nhiên thay cho ánh sáng điện thông qua hệ thống cửa kính trong quá trình nuôi cấy mô; dùng thêm một số hóa chất phụ làm trẻ hóa tuổi cây; đặc biệt là đã tìm ra quy luật và giải pháp khắc phục hiện tượng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm trong môi trường phòng nuôi…
Ngoài việc ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã sản xuất thành công một số giống cây cảnh, cây ăn quả như: lan hồ điệp, đai châu, Đenzo, Vanđa; tùng thơm, măng tre, măng củ, chuối ngự, chuối tiêu hồng… đáp ứng yêu cầu về giống cây trồng cho các địa phương sản xuất nông sản hàng hóa ở trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, Trung tâm đã ký hợp đồng cung cấp giống chuối tiêu hồng cho Cty TNHH Công nghệ sạch nông nghiệp Phú Thọ và một số vùng trồng cây nguyên liệu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Thành công bước đầu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên lĩnh vực phát triển công nghệ nuôi cấy mô đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương