Vụ Bản ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

08:09, 23/09/2011

Trong xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Vụ Bản chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình cây trồng, vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Trang trại chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học của gia đình anh Trần Đăng Khôi, thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận (Vụ Bản).
Trang trại chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học của gia đình anh Trần Đăng Khôi, thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận (Vụ Bản).

Để bảo đảm thành công các mô hình ứng dụng KHKT mới, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Ban Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức tập huấn cho xã viên, hội viên. Trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp tổ chức 70 lớp tập huấn cho hơn 9.000 lượt người, đồng thời chọn 45 chủ hộ trang trại chăn nuôi tổng hợp trên địa bàn huyện tham gia các lớp tập huấn chuyên đề tại Trung tâm khuyến nông và các Trung tâm ứng dụng thuộc Bộ KH và CN... Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản được xây dựng; trong đó mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa theo phương pháp gieo sạ trên tổng diện tích 350ha thuộc 3 xã Vĩnh Hào, Liên Minh và Tân Khánh đã cho năng suất bình quân đạt 6,23 tấn/ha, tăng 15-20% hơn so với cấy truyền thống. Đặc biệt, do thực hiện tốt quy trình kỹ thuật thâm canh nên hạn chế được sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc, giảm ngày công chăm bón và các chi phí phòng bệnh cho cây trồng… Từ 3 mô hình thử nghiệm, đến nay nông dân ở cả 18 xã, thị trấn trong huyện đã áp dụng mô hình thâm canh lúa cải tiến. Tiêu biểu trong việc mở rộng diện tích gieo sạ hàng là các xã Vĩnh Hào, Hợp Hưng, Liên Minh, Hiển Khánh; trong đó, xã Vĩnh Hào áp dụng gieo sạ hàng cả trong vụ mùa với diện tích trên 100ha. Đối với cây màu vụ đông, huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông ứng dụng che phủ nilon trong trồng lạc để giữ được độ ẩm trong đất, hạn chế cỏ dại, giúp cây chống rét, rút ngắn thời gian sinh trưởng và cho hoa đồng đều nên đạt năng suất cao, từ 180-190 kg/sào, tăng 15-20% so với phương pháp truyền thống. Từ 40ha trồng thử nghiệm ở Thị trấn Gôi, đến nay, 100% diện tích lạc xuân của huyện Vụ Bản đã áp dụng phương pháp che phủ nilon trong thâm canh. Chị Nguyễn Thị Chăm, ở xóm 2 Thị trấn Gôi áp dụng che phủ nilon cho lạc từ năm 2009, cho biết: “Ban đầu, tôi còn ngại áp dụng phương pháp mới vào sản xuất lạc do chi phí cao hơn so với phương pháp truyền thống. Nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và sự hỗ trợ kinh phí ban đầu của dự án nên tôi mạnh dạn làm theo”. Kết quả, qua nhiều vụ liên tiếp, cây lạc cho năng suất cao, ngày công lao động giảm, chi phí phòng bệnh thấp nên nông dân tự học hỏi lẫn nhau mở rộng diện tích. Ngoài trồng lạc theo phương pháp che phủ nilon, huyện Vụ Bản còn xây dựng các mô hình trồng cây nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu như: ngô ngọt, cà chua, dưa chuột bao tử; sản xuất giống khoai tây sạch bệnh theo công nghệ nuôi cấy mô… ở các xã Minh Thuận, Tân Khánh, Hợp Hưng, Tam Thanh. Bên cạnh việc ứng dụng phương pháp canh tác mới, hằng năm huyện Vụ Bản đã xây dựng các mô hình trình diễn các giống lúa mới có nhiều triển vọng  như  Syn6, NĐ5, QR1, QR2, SQ2.. và rau màu, lạc L23, L26, khoai tây KT3… tại 3 HTX: Trung Thành, Cộng Hòa, Tam Thanh. Qua theo dõi các chỉ số về sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh và tiềm năng năng suất của giống QR1, QR2, NĐ5 là những giống thuần có triển vọng nhất, chất lượng gạo ngon, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha. Việc trồng khảo nghiệm, lựa chọn giống lúa và cây màu phù hợp là cơ sở để huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây màu, tạo sự chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng các mô hình con nuôi mới. Trong 3 năm qua, huyện đã áp dụng quy trình nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học cho các hộ dân, trong đó trang trại gà của gia đình anh Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng đạt các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình nuôi lợn sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Hợp Hưng với 30 con lợn nái của 4 trang trại. Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương trong huyện đang phát triển mạnh góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Huyện còn khuyến khích nông dân đưa các con đặc sản như: ba ba, nhím, hươu… vào nuôi. Nghề nuôi thủy sản cũng được chú trọng phát triển. Toàn huyện hiện có gần 700ha nuôi trồng thủy sản với các giống cá như: trê lai, rô phi đơn tính, chim trắng, diêu hồng, trắm đen… được đưa vào nuôi trồng ngày càng nhiều.

Với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Vụ Bản đã khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com