Những vấn đề đặt ra trong phòng chống ô nhiễm môi trường nước

08:09, 12/09/2011

Tỉnh ta có hệ thống sông ngòi khá dày đặc với mật độ 0,6-0,9km/km2, chiếm 3% tổng diện tích đất tự nhiên. Ngoài 4 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống các sông nội đồng như sông Ngô Đồng, sông Sắt, sông Vĩnh Giang…, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước mặt đang diễn ra ngày một trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. 

Hướng dẫn sơ đồ lắp đặt nước sạch cho các hộ gia đình ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).
Hướng dẫn sơ đồ lắp đặt nước sạch cho các hộ gia đình ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Theo kết quả quan trắc môi trường nước mặt định kỳ hằng năm cho thấy các thông số cơ bản như COD, BOD5, DO, chất hoạt động bề mặt, Nitrat, Amoni, Coliform, các kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nước mặt cục bộ vẫn xảy ra, trong đó thông số dầu mỡ vượt tiêu chuẩn cho phép. Trên tuyến sông Đào, tại điểm tiếp nhận nước thải từ trạm bơm Kênh Gia các thông số SS, COD, BOD, dầu mỡ, phenol và hàm lượng các kim loại nặng… đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Các đoạn sông qua khu vực sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Lưu vực sông Ninh Cơ và sông Đáy qua các khu vực nuôi thủy sản của các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng qua kiểm tra nước sông cho thấy lượng Clorua và chất rắn lơ lửng cao, vượt 1,56-6,58 lần so với quy chuẩn. Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở các sông nhỏ phức tạp hơn do lưu lượng dòng chảy nhỏ, khả năng tự làm sạch bị hạn chế trong khi phải tiếp nhận trực tiếp chất thải từ sinh hoạt, từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và làng nghề. Lưu vực sông Sắt khu vực cầu Đen (Ý Yên) tiếp nhận nước thải từ làng nghề mây tre đan xã Yên Tiến và làng nghề mộc xã Yên Ninh; lưu vực sông Hùng Vương (Vụ Bản) tiếp nhận nước thải làng nghề dệt nhuộm Quả Linh, xã Thành Lợi có hàm lượng Coliform vượt giới hạn cho phép từ 2-3,3 lần; nồng độ dầu vượt quá giới hạn 1,2-6 lần; các thông số phenol, chất rắn lơ lửng, nitrit, nattrit, cao hơn quy chuẩn cho phép và hàm lượng BOD5, COD có dấu hiệu gia tăng theo từng năm. Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt tại tỉnh ta được xác định là do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa dẫn đến nhu cầu sử dụng nước gia tăng, trong khi ý thức và trách nhiệm của cả đơn vị khai thác và người sử dụng không hợp lý; phần lớn lượng nước thải sinh hoạt và các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong làng nghề và hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý; việc sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp làm gia tăng các chất độc hại, hiện tượng rò rỉ dầu do hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy…

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chính sách để bảo vệ môi trường như: Kiện toàn bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường tiềm lực cho đội ngũ làm công tác quản lý môi trường từ tỉnh đến cơ sở; trong đó, chú trọng đến giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Tổ chức tuyên truyền về vai trò, thực trạng nguồn tài nguyên nước và vệ sinh môi trường đối với sức khỏe, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân; tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ nguồn tài nguyên nước của các nhóm đối tượng, cộng đồng dân cư đồng thời cụ thể hóa bằng các hoạt động như xây dựng mô hình "Đoạn sông tự quản", phát động thực hiện các phong trào xanh, sạch, đẹp, xây dựng tuyến phố văn minh, thôn xóm, khu phố văn hóa, xã hội hóa công tác thu gom rác thải… dựa trên sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể nhân dân tại cơ sở. Bên cạnh đó, các Sở: TN và MT, KH và CN, NN và PTNT… đã tiến hành khảo sát thực trạng, đưa ra những khuyến cáo và vận động nông dân từng bước thay đổi thói quen canh tác truyền thống bằng phương pháp canh tác cải tiến với mục tiêu tiết kiệm nguồn nước ngọt trong sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, đồng thời kiên cố hóa hệ thống thủy lợi góp phần hạn chế tình trạng thẩm thấu, lãng phí nguồn nước.

Vấn đề đặt ra trong giai đoạn tiếp theo là cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng và toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, gắn nội dung bảo vệ môi trường với việc thực hiện quy ước, hương ước chung của làng xã và cộng đồng dân cư./.

Bài và ảnh: Hương Tú

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com