Kiểm tra chất lượng sản phẩm sứa tại Cty TNHH MTV Chế biến hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải (Giao Thủy). |
Trong nền kinh tế thị trường, năng suất và chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng đúng mức vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, nên số doanh nghiệp có thương hiệu và sản phẩm uy tín trên thị trường còn ít. Theo số liệu khảo sát của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH và CN) tại hơn 500 doanh nghiệp tư nhân, hoạt động trong các lĩnh vực: dệt may, thủ công mỹ nghệ, điện và điện tử, cơ khí, giấy nhựa và hoá chất, xây dựng và VLXD, dược, thực phẩm và đồ uống, chế biến nông lâm thuỷ sản, dịch vụ... trên địa bàn tỉnh cho thấy, hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng còn hạn chế. Trong tổng số hơn 500 doanh nghiệp được khảo sát, hiện mới có hơn 100 doanh nghiệp đã từng bước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO-9001; còn các hệ thống quản lý chất lượng khác như: ISO 13485, ISO/IEC 17025, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, OHSAS 18000, SA 8000... và các mô hình, công cụ cải tiến như 5S, Kaizen, SPC, 6 sigma, kiểm soát quá trình kỹ thuật bằng thống kê, QCC, TQM, TPM, CRM, HRM... mới có một số doanh nghiệp tìm hiểu và bước đầu áp dụng. Số lượng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng được áp dụng ở mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau. Nhiều doanh nghiệp chỉ áp dụng 1 hệ thống quản lý chất lượng mà không áp dụng mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; chỉ có một số doanh nghiệp áp dụng cùng lúc 2 đến 4 hệ thống quản lý chất lượng và nhiều mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng vì thấy được tầm quan trọng của hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Phương Ngọc (TP Nam Định) chuyên may quần áo bảo hộ lao động đã áp dụng 3 hệ thống quản lý chất lượng: ISO 9001, ISO 14001 và công cụ cải tiến như 5S, SPC, 6 sigma. Cty Nam Dược sản xuất dược phẩm đã áp dụng 4 hệ thống quản lý chất lượng: ISO 9001, ISO 14001, SA 8000, GMP. Cty TNHH Phương Linh dệt may áo len, áp dụng 4 hệ thống quản lý chất lượng: ISO 9001, ISO 14001, SA 8000, OHSAS 18000. Việc cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm mới thực hiện ở các doanh nghiệp có xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc mô hình, công cụ để duy trì và nâng cấp các hệ thống với mức đầu tư thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp do chưa nhận thức được vai trò của việc vận hành các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp nên chưa xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nào.
Thực trạng trên cho thấy, việc áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ hiệu quả của nó. Để thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức tư vấn cần mở các khoá đào tạo về các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 13485, ISO/IEC 17025, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, OHSAS 18000, SA 8000... và các mô hình, công cụ cải tiến như 5S, Kaizen, SPC, 6 sigma, kiểm soát quá trình kỹ thuật bằng thống kê, QCC, TQM, TPM, CRM, HRM... cho các doanh nghiệp. Có cơ chế hỗ trợ kinh phí thông qua việc cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế đối với những doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến có hiệu quả nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển sản phẩm và cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp hoặc miễn lãi suất để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và cải tiến, duy trì hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn và mô hình, công cụ cải tiến./.