Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư với chương trình cơ giới hóa nông nghiệp

08:08, 26/08/2011

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh trình diễn máy gặt đập liên hợp tại xã Nam Hồng (Nam Trực).
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh trình diễn máy gặt đập liên hợp tại xã Nam Hồng (Nam Trực).

Với việc xây dựng các mô hình trình diễn; tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ; thông tin tuyên truyền giúp nông, ngư dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…, những năm qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN và PTNT) đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa với năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Trong chăn nuôi, đã lựa chọn các giống mới, năng suất cao như lợn ngoại, lợn hướng nạc, bò Zêbu, gà siêu thịt, gà siêu trứng, ngan Pháp, vịt Supe, thỏ ngoại… với phương pháp nuôi công nghiệp tập trung, nuôi an toàn sinh học. Trong trồng trọt hàng nghìn mô hình trình diễn đã tạo ra các giống lúa lai, lúa thuần năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu khá như: giống lúa D.ưu, HYT, TX111 (lúa lai), HT1, BT7, BC15, N97, N87 (lúa thuần); cà chua TN005, TN052, TN006, Savior, Thúy Hồng; dưa chuột trung tử, bao tử; khoai tây soolara, diaman; lạc Trạm dầu, Sán dầu… Với những phương pháp canh tác mới, áp dụng công nghệ sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường, chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ… nhiều cánh đồng đã đạt 100-300 triệu đồng/ha/năm. Nuôi trồng thủy sản cũng có chuyển biến; các giống đặc sản được đưa vào nuôi nhiều như: cá rô đồng, cá lăng chấm, tôm càng xanh (nước ngọt), cá song, cá vược, cá bống bớp, cá chim biển vây vàng (nước mặn lợ). Ngoài ra, dụng cụ đánh bắt hải sản xa bờ như cải tiến lưới rê hỗn hợp được Trung tâm đưa vào xây dựng mô hình và nhân rộng trong sản xuất. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cũng đã xây dựng các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Phương pháp gieo sạ hàng đối với sản xuất lúa giảm 60% công lao động so với cấy truyền thống, giảm 30-50% số hạt giống, cây lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, độ đồng đều cao, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5-7 ngày, năng suất lúa tăng 10-20%, hiệu quả tăng trên dưới 20% so với gieo mạ cấy. Vụ xuân năm 2011, nhiều địa phương có diện tích gieo sạ chiếm tới 50-70% tổng diện tích cấy như Nam Mỹ, Tân Thịnh (Nam Trực); Hải Lộc (Hải Hậu); Tử Mạc (Ý Yên); Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Vụ mùa năm 2011, HTX Tử Mạc tuy là vùng trũng, nhưng vẫn tổ chức gieo sạ 130ha, chỉ trong 4-5 ngày, trong khung thời vụ tốt nhất. Hiện nay, diện tích lúa gieo sạ của HTX Tử Mạc phát triển tốt hơn so với những diện tích lúa cấy. Cùng với gieo sạ hàng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư còn trình diễn máy gieo cấy ở các chân đất không chủ động điều tiết nước. Máy cấy hoạt động mỗi ca (8 giờ) bằng cả trăm người cấy bằng tay. Tuy chưa được sử dụng rộng rãi, nhưng đây là hướng để các địa phương nghiên cứu ứng dụng trong những vụ tới. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đang tiếp tục xây dựng mô hình cơ giới hóa khâu làm đất với máy làm đất cỡ trung, công suất 34-45CV (thay thế các máy làm đất mi ni), phù hợp với phương pháp canh tác của các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, mô hình máy gặt đập liên hợp của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng tại các địa phương. Từ vụ xuân năm 2005, máy gặt đập liên hợp do Trung Quốc sản xuất được đưa vào thu hoạch lúa ở tỉnh ta. Qua gặt thử tại Trung tâm và các xã của huyện Vụ Bản cho thấy, 3 công nhân vận hành máy 1 ca (8 giờ) thu hoạch được 3,5ha lúa, bằng 97 lao động, chưa kể khâu ra hạt, rê, đóng bao, máy đều đảm nhiệm. Năm 2009, bằng nguồn vốn khuyến nông của Trung ương, của tỉnh, Trung tâm đã hỗ trợ địa phương mua 2 máy gặt đập liên hợp, năm 2010, hỗ trợ các mô hình điểm mua 11 máy và năm 2011 hỗ trợ mua 13 máy gặt đập liên hợp đưa vào thu hoạch. Thực tế sản xuất cho thấy máy gặt đập liên hợp do Hàn Quốc, Nhật Bản sản xuất cắt được sát gốc rạ, và thái nhỏ rơm, rạ 5-6cm rải đều mặt ruộng, làm chất hữu cơ cải tạo đất hoặc có thể giữ nguyên rơm, rạ phục vụ cho nghề trồng nấm, đồng thời, loại máy này có thể gặt được ở các chân ruộng cao, trũng của các địa phương. Ngoài ưu điểm gặt nhanh, tỷ lệ rơi vãi của gặt máy thấp (chỉ chiếm 3%), trong khi gặt theo phương pháp thủ công tỷ lệ rơi vãi chiếm 7-10%; gặt bằng máy giá 130-160 nghìn đồng/sào, bằng một nửa so với thuê gặt tay giá 250-300 nghìn đồng/sào. Một máy gặt đập liên hợp một ngày có thể gặt 2-4ha tùy theo công suất, chân ruộng và độ đổ của lúa, giải phóng đất nhanh để sản xuất vụ sau. Chính từ các mô hình đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, đến nay, tỉnh ta đã có gần 100 máy gặt đập liên hợp phục vụ cho thu hoạch lúa cả 2 vụ. Riêng Cty CP Cơ khí Nghĩa Hưng trong năm 2010-2011 nhập hàng chục máy gặt đập liên hợp của Hàn Quốc bán cho các HTX, nông dân trong tỉnh.

Đi đầu, năng động trong việc xây dựng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp, thủy sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đang góp phần tích cực, có hiệu quả đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh và công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com