Tỉnh ta có thế mạnh về nuôi thủy sản với tổng diện tích nuôi 15.734ha; trong đó, diện tích nuôi vùng mặn lợ hơn 6.000ha, diện tích nuôi vùng nước ngọt 9.520ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là giống đặc sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cua, cá bống bớp… ở vùng mặn lợ; các loại cá truyền thống, cá rô phi, tôm càng xanh… ở vùng nuôi nước ngọt. Năm 2010, giá trị thu nhập từ nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 540 tỷ đồng, thu hút 31 nghìn hộ nuôi thủy sản, tạo việc làm cho 41 nghìn lao động. Trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp, 2 hiệp hội nuôi nhuyễn thể, 588 trang trại và 46 cơ sở sản xuất giống thủy sản… là cơ sở thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy hải sản bền vững. Tuy nhiên, những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, từ 8-10 độ, đặc biệt, hiện tượng mưa lớn trên 100mm, làm ngập ao đầm và ngọt hóa vùng nuôi mặn lợ, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ sinh trưởng của các đối tượng nuôi. Tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi do nguồn thức ăn dư thừa, ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, nước thải công nghiệp... Bên cạnh đó, người nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện dịch bệnh cũng như xử lý và khai báo thông tin dịch bệnh… là những nguyên nhân làm gia tăng tình hình dịch bệnh trong vùng nuôi thủy sản. Đồng chí Đặng Văn Hiển, Chi cục phó Chi cục Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Mỗi năm, tỉnh ta có 200-300ha thủy sản nuôi vùng mặn lợ và 100-200ha thủy sản nước ngọt bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.
Kiểm định mẫu thủy sản tại Chi cục Thú y (Sở NN và PTNT). |
Để quản lý dịch bệnh và khắc phục kịp thời hậu quả trong vùng nuôi thuỷ sản, Chi cục Thú y đã cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức các lớp tập huấn cho các kỹ thuật viên của 10 huyện, thành phố, đồng thời phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển phân bổ diện tích nuôi thủy sản thành 4 vùng nuôi gồm: Vùng nuôi thủy sản nước ngọt, vùng nuôi Giao Thủy, vùng nuôi Hải Hậu và vùng nuôi Nghĩa Hưng; phân công kỹ thuật viên kết hợp với cán bộ thủy sản ở từng khu vực tập trung giám sát quy trình nuôi và theo dõi diễn biến dịch bệnh vùng nuôi, trại sản xuất giống và cơ sở kinh doanh; quản lý chặt chẽ, thuốc thú y, hóa chất xử lý cải tạo ao đầm. Chi cục Thú y còn tiến hành thu mẫu thủy sản, mẫu nước vùng nuôi định kỳ tại các cơ sở sản xuất giống và cơ sở nuôi thương phẩm để tìm ra nguyên nhân gây dịch bệnh. Từ đầu năm 2011 đến nay, Chi cục Thú y đã tiến hành xét nghiệm một số bệnh nguy hiểm tại các vùng nuôi thuỷ sản như: Bệnh virus đốm trắng, bệnh virus đầu vàng và hội chứng Taura virus ở tôm he chân trắng; bệnh xuất huyết do virus ký sinh trùng trên một số loại cá nước ngọt; bệnh chân tơ ký sinh ở cua và bệnh đốm đỏ ở các loài lưỡng cư (rắn nước, ếch, ba ba), đồng thời hướng dẫn quy trình kiểm dịch ở các cơ sở. Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh con giống, lấy mẫu xét nghiệm, sau 24 giờ thông báo kết quả tới các điểm lấy mẫu. Kiểm soát chặt chẽ mầm bệnh (Virus đốm trắng) cho 18/27 trại sản xuất giống mặn lợ và các vùng nuôi tôm thương phẩm. Ngay trong tháng 7-2011, Chi cục đã tiến hành điều tra tổng thể dịch tễ vùng nuôi tôm làm cơ sở xây dựng phương án phòng dịch, phát triển vùng nuôi tôm trong những năm tiếp theo.
Để nâng cao năng lực quản lý dịch bệnh ở các vùng nuôi thuỷ sản, Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y đang tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực phòng thí nghiệm, tổ chức giám sát dịch bệnh vùng nuôi và quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các sản phẩm xử lý môi trường… nhằm phát hiện, kịp thời ngăn chặn phòng chống dịch bệnh cho con nuôi ở các vùng nuôi thuỷ sản trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương