Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

08:08, 31/08/2011

Cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức…, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện. Với những tiện ích từ việc ứng dụng CNTT, các doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời nâng cao hiệu quả điều hành, cải tiến lề lối làm việc, góp phần hiện đại hóa nền hành chính.

Thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng hơn

Để doanh nghiệp, nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện các TTHC đã được UBND tỉnh công bố, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT và TT đã xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử của tỉnh. Cùng với việc đăng tải đầy đủ các TTHC của tỉnh, nội dung thông tin trên cổng thông tin điện tử được cập nhật kịp thời; người dân có thể gửi thắc mắc và nhận được sự trả lời của các cơ quan chức năng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Cùng với sự ra đời cổng thông tin điện tử của tỉnh, để giúp doanh nghiệp, người dân dễ hiểu, dễ thực hiện các TTHC, đến nay nhiều huyện, thành phố và sở, ngành đã xây dựng hoặc đang trong quá trình chạy thử nghiệm website phục vụ người dân tra cứu, tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý Nhà nước của ngành. Một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã khai thác một số dịch vụ công cho phép người sử dụng điền, gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và thanh toán lệ phí, nhận kết quả trực tiếp như: Sở Y tế thực hiện việc đăng ký chứng chỉ hành nghề Y, Dược tư nhân trên internet được triển khai song song với đăng ký tại Trung tâm một cửa; Sở KH và ĐT quản lý việc đăng ký cấp giấy phép kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp... Một số địa phương như Thành phố Nam Định và UBND huyện Trực Ninh đã triển khai hệ thống “Một cửa điện tử cấp huyện”, kết nối Trung tâm giao dịch hành chính một cửa với cổng thông tin điện tử cấp huyện để hướng dẫn các thủ tục hành chính, giải đáp thắc mắc của người dân, ngày giờ trả kết quả. Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện Trực Ninh tuy mới triển khai một cửa điện tử chưa đầy 3 tháng nhưng đã được nhiều người dân tìm hiểu, khai thác, nhất là những người ở xa trung tâm huyện. Chị Phạm Thị Lan ở xã Trực Nội nộp các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện, đúng một tuần sau, chị nhận được kết quả trả lời. Chị Lan cho biết, trước khi làm thủ tục chuyển nhượng tôi đã truy cập thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của huyện tìm hiểu các quy trình thực hiện, sau đó lên Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện nộp các thủ tục. Để đỡ đi lại nhiều lần nhận kết quả, tôi theo dõi trên cổng thông tin điện tử của huyện.

Đào tạo nhân lực CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần cải cách và hiện đại hóa thủ tục hành chính.
Đào tạo nhân lực CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần cải cách và hiện đại hóa thủ tục hành chính.
Ảnh: Internet

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý hành chính

 Để các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở từng bước áp dụng CNTT để cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đến nay, 100% các đơn vị cấp sở, UBND các huyện, thành phố đều kết nối mạng LAN trong cơ quan, một số đơn vị đã nối mạng WAN đến các đơn vị trực thuộc như Sở KH và CN, Sở TT và TT, Sở GTVT, Sở Tài chính… Hiện nay, ở tỉnh ta có 80% cán bộ cấp tỉnh, 65% cán bộ cấp huyện thường xuyên sử dụng máy tính phục vụ công việc. Từ năm 2009, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở TT và TT đã phối hợp với các ngành, các cấp và các đơn vị lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh, với quy mô 12 điểm cầu được kết nối từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tới 10 huyện, thành phố, với đường truyền tốc độ cao, thiết bị xử lý hiện đại. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiền, Giám đốc Sở TT và TT tỉnh đánh giá: “Việc đưa vào và sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến các địa phương giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành thuận lợi hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vừa tiết kiệm về thời gian, chi phí đi lại, vừa góp phần tăng hiệu quả thực hiện Chương trình cải cách hành chính của tỉnh”. Trong một số hội nghị trực tuyến của tỉnh mang tính thời sự như phòng chống thiên tai, dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp, hệ thống truyền hình trực tuyến đã giúp các cán bộ phụ trách ở xã khi lên huyện dự hội nghị trực tuyến có thể trực tiếp nắm bắt sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh để triển khai tại địa phương. Cùng với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000, đến nay nhiều sở, ngành, địa phương đã áp dụng các phần mềm điện tử để thuận tiện trong công việc. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đang được UBND các huyện Trực Ninh, huyện Vụ Bản, Sở TT và TT, TAND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh áp dụng cho thấy những tính năng hữu ích như quản lý văn bản, hồ sơ công việc, gửi thông báo, mời họp, tra cứu các văn bản, công việc đều được thực hiện thông qua mạng internet... Nhờ phần mềm này, UBND các huyện Trực Ninh, Vụ Bản đã thực hiện gửi giấy mời, văn bản chỉ đạo… đến địa chỉ email của các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn trong huyện vừa nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí trang bị máy móc, giấy, mực in...

Với mục tiêu đến năm 2020 hoàn chỉnh chương trình xây dựng “Chính phủ điện tử” từ tỉnh đến huyện và áp dụng một phần ở xã, phường, thị trấn đang đặt ra những yêu cầu mới về đào tạo tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về việc sử dụng CNTT trong cải cách hành chính... Trước mắt, đến năm 2012, tỉnh phấn đấu có 85% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; xây dựng và phát triển thêm một số dịch vụ công mức độ 3 như quản lý hộ tịch hộ khẩu, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hệ thống thông tin giải quyết khiếu nại tố cáo; 5 UBND huyện, thành phố triển khai hệ thống “Một cửa điện tử”; 70% đơn vị thực hiện ở cấp tỉnh và 70% UBND huyện, thành phố thực hiện cài đặt và khai thác phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc… góp phần hiện đại hóa nền hành chính./.

Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com