Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, tuổi trẻ Nam Định với hơn 45 vạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đang tích cực phát huy vai trò xung kích trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) trong các hoạt động, lĩnh vực của đời sống.
Những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của thanh niên công nhân, viên chức trong tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Với phương châm “Mỗi đoàn viên là một ý tưởng sáng tạo, mỗi chi Đoàn là một hộp thư sáng kiến, mỗi cơ sở Đoàn là một vườn ươm sáng tạo”, nhiều cơ sở Đoàn ở các doanh nghiệp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện tổ chức thành lập “Tổ máy, ca máy thanh niên” trong các phân xưởng, xí nghiệp sản xuất. Nhiều cơ sở Đoàn đã tổ chức tốt việc phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo và bình chọn, trao thưởng các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật tiêu biểu hằng năm. Qua thực tế cho thấy, hầu hết ĐVTN trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và các doanh nghiệp dịch vụ có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đều làm chủ công nghệ, nhiều ĐVTN còn là cán bộ chuyên trách phụ trách về CNTT của cơ quan, doanh nghiệp. Kết quả ứng dụng CNTT ở một số cơ quan như: ngân hàng, tài chính, kho bạc, bưu điện... đã rất thành công với lực lượng ĐVTN là nòng cốt. Ở các đơn vị lực lượng vũ trang, việc ứng dụng KHCN cũng đang được lãnh đạo các đơn vị quan tâm. Hệ thống quản lý thư viện điện tử dành cho cán bộ, chiến sỹ của Bộ đội Biên phòng tỉnh do ĐVTN đảm nhận có hơn 3.000 đầu sách đã được đưa vào hệ thống máy tính để người mượn có thể dễ dàng tra cứu. Cùng với đó, phần mềm quản lý cũng giúp thủ thư không còn khó khăn trong việc quản lý người mượn và hệ thống tư liệu. Phần mềm “Quản lý thư viện” này của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đạt giải khuyến khích trong Hội thi “Bộ đội Biên phòng với ứng dụng công nghệ thông tin” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức. Trao đổi với chúng tôi về phong trào ĐVTN tiến quân vào KHCN, đồng chí Nguyễn Ngọc Hiệu, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh cho biết: “Hiện nay, ĐVTN đều đã xác định được CNTT là công cụ hỗ trợ đắc lực trong giải quyết công việc chuyên môn. Chính vì vậy, ngoài các khóa học về nghiệp vụ, ĐVTN cũng đã tự trau dồi thêm kiến thức, các kỹ năng và khả năng ứng dụng tin học cho bản thân để cùng với các anh, chị em đồng nghiệp thực hiện thành thạo các phần mềm ứng dụng công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan. Tại đa số các cơ quan trong khối, lãnh đạo các đơn vị đều tạo điều kiện để ĐVTN tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về tin học, kịp thời cập nhật, bổ sung những kiến thức mới về CNTT, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu công việc chuyên môn”. Hoạt động triển khai ứng dụng CNTT của ĐVTN ngành Giáo dục tỉnh ta thời gian qua cũng được triển khai mạnh mẽ. Cùng với việc ứng dụng CNTT cho các sản phẩm dịch vụ, các ngành học, các bài giảng cũng đã được nhiều thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức là ĐVTN áp dụng nhanh và hiệu quả. Các đề tài “Ứng dụng CNTT chuyên ngành trong phục vụ học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên của Đoàn Trường Cao đẳng Xây dựng”; “Thẩm định chất lượng trường đại học” của Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp; “Nghiên cứu ứng dụng phần mềm Mercomedia flats phục vụ công tác giảng dạy chuyên ngành công nghệ may và thiết kế thời trang” của Đoàn Trường Cao đẳng nghề Vinatex,… đang được ứng dụng và đạt kết quả cao. Đồng chí Lê Xuân Hồng, giảng viên đồng thời là Bí thư Đoàn Trường Đại học Điều dưỡng cho biết: “Đối với công tác giảng dạy của giáo viên, ngoài những bài giảng truyền thống chúng tôi còn sử dụng các bài giáo án điện tử nhằm cung cấp thêm nhiều thông tin, kiến thức về xã hội cho sinh viên. Mặt khác, chính các bạn sinh viên cũng thấy được vai trò, tác dụng và tầm quan trọng của CNTT nên các em cũng đã dành nhiều thời gian đầu tư để tìm hiểu và tiếp cận môn học này”.
Có thể khẳng định, ứng dụng KHCN là con đường rộng mở để ĐVTN ở khu vực nông thôn tiếp cận với cơ hội làm giàu. Nhận thức được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn vốn, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn ở các địa phương đã tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng vạn lượt ĐVTN; tổ chức hàng trăm điểm, mô hình trình diễn về kỹ thuật trồng nấm, khoai tây, dưa chuột bao tử...; hỗ trợ ĐVTN nông thôn vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số vốn hơn 55 tỷ đồng. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Đoàn xây dựng các mô hình CLB "Thanh niên nông thôn với kỹ thuật nghề nông", CLB "Thanh niên làm kinh tế giỏi" ở các địa phương… làm "cầu nối" cho hoạt động chuyển giao tiến bộ KHCN đến ĐVTN ở các vùng nông thôn. Mỗi khi có thời gian là anh Trần Công Phúc ở xóm 2, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) lại đến văn phòng của Đoàn Thanh niên xã để tìm đọc những cuốn sách phổ biến kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Qua những kiến thức tích lũy được từ các tài liệu và được dự án khuyến nông và hỗ trợ thanh niên giảm nghèo do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ, anh đã áp dụng thành công mô hình lúa + cá, với quy mô 10ha. Anh Phúc cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ, cá thường xuyên bị mắc bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, tôi đã bỏ hẳn thói quen chăn nuôi cũ thay vào đó là đầu tư nạo vét ao, định kỳ khử trùng nguồn nước, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cá…”. Nhờ đó, hằng năm từ mô hình trang trại lúa + cá, anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cũng như anh Phúc, nhiều ĐVTN trong xã đã học hỏi nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và đã áp dụng thành công, vươn lên làm giàu ngay chính trên đồng đất quê hương mình. Trong những năm gần đây, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lao động, sản xuất cho thanh niên nông thôn đã được các cấp bộ Đoàn quan tâm. Tỉnh Đoàn đã tích cực triển khai phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, trong đó, cụ thể là đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm. Năm 2010, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn về phát triển ngành nghề nông thôn và khuyến nông cho 200 cán bộ, ĐVTN ở các cơ sở Đoàn ở các địa phương. Nhờ đó, nhiều ĐVTN ở khu vực nông thôn đã có thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết và tự tin hơn trên con đường làm giàu chính đáng ngay tại quê hương.
Tuy nhiên, từ "tiến quân vào KHCN" đến "làm chủ KHCN" là một chặng đường dài và để đến được đích lớn này cần có sự nỗ lực không ngừng của mỗi ĐVTN./.