Đẩy mạnh ứng dụng thâm canh lúa theo phương pháp cải tiến

07:07, 13/07/2011

 

Phương pháp thâm canh lúa truyền thống của bà con nông dân trong tỉnh hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, cản trở sự sinh trưởng và làm giảm sức sống của cây lúa. Cụ thể là tập quán gieo mạ dược, cấy khi mạ đã có 4-5 lá, mạ bị đứt rễ nên lâu hồi xanh; cấy mật độ, số dảnh/khóm cao khiến lúa đẻ nhánh kém, số dảnh hữu hiệu thấp và bông nhỏ, hạt ít. Mặt khác, bà con nông dân thường bón đạm cao hơn so với nhu cầu của cây lúa và bón không cân đối... Phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) ra đời đã khắc phục được những nhược điểm này và còn hạn chế những tác động xấu đến môi trường.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh giới thiệu mô hình trình diễn giống lúa thuần chống rầy nâu tại xã Trung Thành (Vụ Bản).
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh giới thiệu mô hình trình diễn giống lúa thuần chống rầy nâu tại xã Trung Thành (Vụ Bản).

Phương pháp thâm canh lúa cải tiến được thực hiện theo 5 nguyên tắc cơ bản gồm: cấy mạ khỏe; cấy 1 dảnh, thưa, vuông mắt sàng; phòng trừ cỏ dại kịp thời (không dùng thuốc trừ cỏ); quản lý nước, thông khí định kỳ cho đất và bổ sung chất hữu cơ. Tại tỉnh ta, phương pháp thâm canh lúa cải tiến đã được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT) triển khai thực hiện từ năm 2009. Để bảo đảm thực hiện thành công, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tuyên truyền về quy trình, lợi ích của phương pháp thâm canh lúa cải tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… và khuyến khích, tạo điều kiện về kỹ thuật giúp các hộ dân áp dụng vào thực tế sản xuất. Cùng với việc tuyên truyền, Chi cục đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật và xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng toàn phần tại các xã Hải Lộc, Hải Châu, Hải Ninh (Hải Hậu). Qua các mô hình canh tác khảo nghiệm, Chi cục đã rút ra những yêu cầu cơ bản thích hợp với điều kiện đồng ruộng tỉnh ta như: Thiết kế ruộng ở chế độ tự thoát nước khi có mưa to; cấy mạ khi có 2 lá, cấy 1 dảnh/khóm, cấy nông tay, thưa mắt sàng và tránh làm đứt rễ mạ; bổ sung chất hữu cơ (8-10 tấn phân chuồng/ha) kết hợp với bón thúc đạm lần thứ nhất sau khi cấy 5 ngày; giữ mức nước mặt ruộng từ 3-5cm trong vòng 5 ngày sau khi bón phân đạm, sau đó rút kiệt nước để mặt ruộng khô nẻ chân chim, hạn chế tối đa tình trạng nước ngập mặt ruộng; làm cỏ 3 lần vào ngày thứ 10-12, ngày thứ 25-27 và ngày thứ 40-42 sau cấy, kết hợp với xới phá váng mặt ruộng tạo độ thông khí cho đất lúa. So với phương pháp canh tác truyền thống, phương pháp thâm canh lúa cải tiến không chỉ giúp cây lúa khoẻ mạnh, hạn chế bệnh dịch, cho năng suất cao mà còn giảm ngày công lao động, đồng thời tiết kiệm được hơn 70% giống, giảm được 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu, 40% nước, giảm phát thải khí mê tan từ đất do ruộng được phơi khô. Chị Trần Thu Ba, ở xóm 7, xã Hải Ninh cho biết: Việc tuân thủ theo đúng các nguyên tắc của phương pháp thâm canh lúa cải tiến, chỉ mất 0,4kg thóc giống/sào, thay vì 1,5 kg/sào như trước đây; công cấy, chăm bón, tưới tiêu cũng giảm hẳn, đặc biệt là chỉ cần 5kg phân đạm/sào thay cho 8kg/sào, số lần phun thuốc giảm 1-2 lần/vụ, mà năng suất lúa cao hơn so với canh tác truyền thống là  22kg/sào.

Vụ lúa xuân năm 2011, toàn tỉnh đã có 25.400ha áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến, tuy nhiên mới chỉ có 10ha áp dụng toàn phần theo quy trình, diện tích còn lại mới chỉ áp dụng từng phần. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Hiệu quả của phương pháp thâm canh lúa cải tiến đã thể hiện rõ lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình và áp dụng toàn phần quy trình thâm canh lúa cải tiến vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn do nông dân khó thay đổi thói quen canh tác; nông dân mới chỉ áp dụng khâu cấy mạ non, cấy thưa, vuông mắt sàng, còn việc phòng trừ cỏ dại, quản lý nước, thông khí cho đất và bổ sung chất hữu cơ chưa được áp dụng triệt để, nên hiệu quả không cao.

Để thay đổi thói quen sản xuất của các hộ nông dân, nhanh chóng áp dụng toàn phần phương pháp thâm canh lúa cải tiến, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật; có chính sách khuyến khích, quy hoạch ruộng đất, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho việc triển khai áp dụng các quy trình kỹ thuật theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến, góp phần nâng cao năng suất và giá trị thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com