Giao Thủy ứng dụng KH-CN trong phát triển kinh tế biển

08:07, 25/07/2011
Kiểm tra chất lượng giống tu hài ở Cty TNHH Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy).
Kiểm tra chất lượng giống tu hài ở Cty TNHH Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy).

Những năm gần đây, huyện Giao Thủy tập trung đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất con giống các loại thủy đặc sản, cải tiến quy trình nuôi, sản xuất và chế biến hải sản, phấn đấu tăng giá trị sản xuất thuỷ sản mỗi năm 10,4% và đến năm 2015 đạt 1.300-1.400 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tiếp cận công nghệ mới, vốn hỗ trợ đầu tư để đổi mới thiết bị, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Các mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất đều đạt yêu cầu về các chỉ tiêu kỹ thuật, hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với sản xuất đại trà. Tiêu biểu là mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nhân tạo giống và nuôi thương phẩm ngao trắng tại xã Giao Thiện do Cty TNHH Bính Lợi thực hiện được Bộ NN-PTNT công nhận. Thành công của mô hình đã giúp Cty làm chủ được công nghệ sản xuất con giống và nuôi ngao thương phẩm, tạo cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đồng thời góp phần tái tạo nguồn lợi tự nhiên. Ngao thương phẩm của Cty đạt năng suất 35 tấn/ha, trọng lượng 45-50 con/kg. Anh Đinh Thanh Khiết, Giám đốc Cty TNHH Liên Phong thí điểm mô hình sản xuất và nuôi thương phẩm tu hài - sản phẩm có giá trị kinh tế cao cho biết: Những năm qua, ngoài việc chủ động liên kết với các viện nghiên cứu thủy sản để sản xuất hầu hết các loại con giống truyền thống như ngao, cua, cá bống bớp, tôm sú… với gần 2 tỷ con giống chất lượng cao mỗi năm, cung ứng cho vùng nuôi và các địa phương trong và ngoài tỉnh, Cty luôn hướng đến việc đầu tư nghiên cứu, tìm cách nuôi thuần những con giống mới chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng đưa vào nhân giống, sản xuất đại trà nhằm đa dạng hóa cơ cấu giống và tăng thu nhập cho ngư dân. Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, Cty đã tiếp nhận công nghệ sản xuất giống tu hài từ công nghệ nhân giống tu hài của Viện Nuôi trồng Thủy sản Hải Phòng, đến nay đã thành công và xuất bán đi Hải Phòng, Quảng Ninh. Việc nuôi tu hài thương phẩm vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm vì môi trường sống của tu hài đòi hỏi độ mặn cao hơn mức trung bình của vùng biển Nam Định. Cty đang tính toán lựa thời điểm mùa khô để thả giống và lách vụ để có thể thả 2 vụ trong năm, bắt đầu vào tháng 1, tháng 2 và vụ tháng 9, tháng 10. Dự kiến đến năm 2012, Cty sẽ làm chủ công nghệ nhân giống tu hài và hoàn tất quy trình nuôi thương phẩm. Trên địa bàn huyện còn có các đơn vị đã ứng dụng có hiệu quả các mô hình như: Cty Phương Linh nuôi ngao vạng, Cty CP Định Phượng ương giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu, Cty TNHH Thành Nam sản xuất giống nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng…

Trong lĩnh vực chế biến, từ nhiều năm nay, huyện Giao Thủy đã tích cực áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và chế biến muối ăn như công nghệ sản xuất muối trên bạt, cải tiến chạt lọc, chế tạo thiết bị rải cát, áp dụng quy trình rang muối công nghệ cao vào sản xuất bột canh… Bước đột phá trong công nghệ chế biến muối là dự án xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo công nghệ mới tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm (xã Bạch Long) do Chi nhánh thực nghiệm và chuyển giao công nghệ muối biển chuyển giao với tổng kinh phí thực hiện trên 14 tỷ đồng. Áp dụng công nghệ mới theo “Quy trình và hệ thống chế biến muối tinh và muối I-ốt liên tục” đáp ứng các yêu cầu làm sạch muối theo phương pháp vật lý, cơ giới hóa quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm tinh chế, không chất bảo quản, có giá trị xuất khẩu, ít tiêu hao nguyên liệu, giảm cường độ lao động… Dự kiến khi đi vào hoạt động doanh nghiệp sẽ tiêu thụ khoảng 25 nghìn tấn muối mỗi năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho diêm dân, đồng thời thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển.

Trong những năm tới, huyện Giao Thủy tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm đồng thời đầu tư củng cố và xây dựng thương hiệu cho làng nghề nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu và làng nghề đóng tàu gỗ truyền thống Ngọc Lâm xã Giao Lâm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com