Bước đột phá trong phát triển nghề trồng nấm ở tỉnh ta là từ khi dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng tại tỉnh Nam Định” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (ƯDTBKHCN) (Sở KH-CN) chủ trì thực hiện vào năm 2007. Ngoài hiệu quả về kinh tế, xã hội, thành công của dự án là đã chuyển giao quy trình sản xuất các loại giống nấm, giúp người trồng nấm trong tỉnh chủ động được nguồn giống, đảm bảo chất lượng, đưa nghề trồng nấm trở thành nghề có thu nhập ổn định và phát triển bền vững.
Khử trùng thiết bị nhân cấy giống nấm cấp I, II tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH-CN). |
Công nghệ sản xuất giống nấm gồm nhiều khâu kỹ thuật phức tạp, yêu cầu sự tuân thủ chặt chẽ các quy trình và chỉ tiêu kỹ thuật, đòi hỏi người sản xuất phải có trình độ nhất định. Để phát triển nghề trồng nấm cho bà con nông dân, Trung tâm ƯDTBKHCN cử cán bộ kỹ thuật có trình độ đi đào tạo chuyển giao kỹ thuật công nghệ sản xuất giống nấm tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam). Sau khi hoàn thiện tiếp nhận công nghệ, Trung tâm chọn các địa phương có tiềm năng phát triển nghề trồng nấm để chuyển giao công nghệ sản xuất giống nấm. Dự án đã đào tạo 11 chuyên gia sản xuất giống nấm, 10 cán bộ kỹ thuật trồng, sơ chế và cách thức xây dựng một cơ sở sản xuất nấm khép kín. Đã có 666 lượt người tại các mô hình trồng nấm và 6.073 lượt nông dân trong tỉnh được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng nấm theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh đó, Sở KH-CN đã chủ động phối hợp với các Sở: NN-PTNT, LĐ-TB và XH... triển khai các chương trình hỗ trợ để phát triển nghề trồng nấm như chương trình: Hỗ trợ về giống nấm, đào tạo nghề trồng nấm và chương trình tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ, tư vấn xây dựng trang trại trồng nấm... để chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nấm cho nông dân hiệu quả nhất. Chị Nguyễn Thị Vân, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) cho biết: Vụ nấm mỡ năm 2009, tại các hộ trồng nấm của xã xuất hiện bệnh bã đậu, làm hỏng hơn 100 tấn nguyên liệu trồng nấm. Nguyên nhân là do giống nấm của một vài hộ gia đình mua của một đơn vị cung ứng giống nấm tại Quảng Ninh bị nhiễm khuẩn. UBND xã cùng BQL dự án và Ban chỉ đạo phát triển nghề trồng nấm huyện Nghĩa Hưng đã kịp thời tiêu hủy số nấm nhiễm khuẩn, tránh lây lan sang khu vực lân cận và khuyến cáo bà con sử dụng giống nấm của dự án.
Việc sản xuất giống nấm ngay tại địa phương đã giúp người trồng nấm có được nguồn giống tốt, giảm chi phí vận chuyển, chủ động thời vụ và mở rộng quy mô sản xuất. Tại cơ sở sản xuất nấm Hoàng An, xã Yên Hưng (Ý Yên), người dân đã có sáng kiến sử dụng mùn cưa gỗ mít thay cho mùn cưa gỗ cao su, bạch đàn đang khan hiếm và giá thành cao để sản xuất nấm linh chi, giảm chi phí đầu vào tới 50%. Qua thực tế sản xuất giống nấm, Trung tâm ƯDTBKHCN đã xây dựng và hoàn chỉnh được cơ sở sản xuất giống nấm ăn và nấm dược liệu với đầy đủ khả năng nhân và giữ giống không bị thoái hoá, các chủng giống đảm bảo được năng suất cao, chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nấm của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ngoài các giống nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm linh chi, các mô hình còn có thể sản xuất được các giống nấm khác như nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm đầu khỉ… Đến nay, đã có hàng trăm hộ nông dân đầu tư phát triển trang trại trồng nấm với quy mô lớn, hàng nghìn hộ ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh tham gia sản xuất nấm. Năm 2010, sản lượng nấm toàn tỉnh đạt 3.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2007, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, sử dụng hàng chục nghìn tấn rơm, rạ làm nguyên liệu phục vụ sản xuất nấm. Sản phẩm nấm của các cơ sở sản xuất trong tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp như Nhà máy Chế biến nấm xuất khẩu Nam Tiến (Hải Dương); Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) đã ký hợp đồng và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm của các cơ sở. Ngoài ra còn nhiều chủ hàng thường xuyên đến từng hộ sản xuất thu mua nấm tươi phục vụ nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc.
Chủ động nguồn giống đã giúp nghề trồng nấm phát triển, trở thành nghề có thu nhập và việc làm ổn định cho một lực lượng lớn lao động ở khu vực nông thôn; đồng thời khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong việc tạo ra nông sản hàng hoá có giá trị, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và nguyên liệu chế biến xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho người dân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương