Tài sản trí tuệ bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và các thành quả lao động trí tuệ khác tồn tại dưới dạng thông tin, tri thức. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển tài sản trí tuệ là yếu tố quan trọng quyết định giá trị sản phẩm, dịch vụ và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp. Tỉnh ta có 185 xã, phường, thị trấn có nghề với gần 4.000 doanh nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống đã nổi tiếng cả nước như đồ mộc mỹ nghệ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, chạm bạc Đồng Quỹ, hoa cây cảnh Vị Khê, mây tre đan Vĩnh Hào, dệt lụa ươm tơ Cổ Chất… Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chưa quan tâm tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ nên chưa phát huy được những lợi thế của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Để thay đổi nhận thức về SHTT và tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp, từ năm 2006, Sở KH-CN đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề có sản phẩm truyền thống đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Chương trình đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền về sở hữu công nghiệp tại 10 huyện, thành phố. Các dự án hỗ trợ đã tạo chuyển biến nâng cao nhận thức về SHTT cho người quản lý các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ có 246 doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp; trên 1.000 đơn đăng ký xác lập quyền SHTT và chỉ có 633 văn bằng được công nhận. Trong đó, các chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu chiếm trên 90%, đăng ký kiểu dáng công nghiệp chiếm 9% và đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích chỉ có 1%. Trong số 18 sản phẩm truyền thống, có 3 nhãn hiệu tập thể là rượu nếp Yên Phú, Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên, Hội Sinh vật cảnh Vị Khê được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Sở KH-CN cũng triển khai thực hiện các dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hải Hậu cho sản phẩm gạo tám xoan” và duy trì chuyên mục “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, cho sản phẩm như: Cty Nam Anh với sản phẩm trục chà lúa và xăm lốp máy nông nghiệp; Cty TNHH JoDo với sản phẩm thiết bị sen, vòi tắm; Cty TNHH Hưng Thịnh với sản phẩm giấy, vở học sinh, giấy in… Riêng Cty cổ phần Dược phẩm Nam Hà (Naphaco) đã nộp 296 đơn đăng ký xác lập quyền SHTT sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường. Các dòng sản phẩm thuốc đông dược và tân dược của Cty đều đạt các tiêu chuẩn GMP-WHO và các chỉ tiêu chất lượng khác như GPS và GLP. Nhiều năm liền, sản phẩm thuốc của Cty được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao và đoạt Cúp Vàng Thương hiệu mạnh toàn quốc. Sản phẩm của Cty còn được xuất khẩu sang các nước: Pháp, Nga, Mianma… Cty đã được Bộ Y tế giao sản xuất một số loại thuốc phục vụ chương trình y tế Quốc gia như: các loại thuốc chống lao, thuốc chống sốt rét, bướu cổ...
Nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, Sở KH-CN tiếp tục triển khai đề án “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015”. Thông qua các hoạt động: tuyên truyền, đào tạo, quản lý, khai thác và bảo vệ phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đề án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ; khai thác thông tin phục vụ sản xuất và kinh doanh cũng như việc triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền SHTT, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép các đối tượng SHTT…, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức về nâng cao nhận thức, kiến thức về xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; yêu cầu về đào tạo nhân lực và hình thành bộ phận quản lý và khai thác quyền SHTT… Trước mắt, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng 100 nhãn hiệu thuộc các lĩnh vực dệt may, cơ khí và gia công cơ khí, điện - điện tử - viễn thông, nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy hải sản, dược phẩm, TTCN và các lĩnh vực khác. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho 20 sản phẩm đặc trưng có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Xây dựng và nhân rộng 1 mô hình xác lập nhãn hiệu tập thể và 1 mô hình chứng nhận sản phẩm truyền thống. Đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho 2 sản phẩm đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh. Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và thư viện về SHTT tại Sở KH-CN./.
Nguyễn Hương