Hạn chế trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp

08:02, 25/02/2011

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tạo dựng và bảo vệ thương hiệu của mình bằng việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Các doanh nghiệp đã đăng ký quyền SHTT dưới nhiều hình thức như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý... Sau khi được cấp bằng bảo hộ, doanh nghiệp có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng; nghiêm cấm người khác sử dụng và định đoạt tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của mình trong phạm vi lãnh thổ nơi cấp văn bằng, bảo hộ. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa sử dụng hết hiệu quả quyền SHTT của mình.

Cty TNHH  JoDo, CCN An Xá (thành phố Nam Định) hiện đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ luôn cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của các sản phẩm sen vòi chậu rửa, sen vòi bể tắm. Năm 2006, ngay sau khi sản xuất thành công các sản phẩm bảo đảm chất lượng, Cty đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ). Mặc dù đã được xác nhận là sản phẩm độc quyền, chất lượng nhưng do hàng Trung Quốc giá rẻ luôn tràn ngập trên thị trường nên trong giai đoạn đầu sản xuất, phải rất khó khăn Cty mới có thể đưa sản phẩm của mình tiếp cận sâu với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cty cổ phần may Sông Hồng là doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường từ nhiều năm nay. Các sản phẩm của Cty sản xuất đều đạt chất lượng cao được đăng ký độc quyền và nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy vậy, năm 2008 sản phẩm chăn, ga, gối của Cty đã bị một số đối tượng ở các làng nghề trong nước sản xuất hàng nhái. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín về thương hiệu, chất lượng sản phẩm của Cty. Trong giai đoạn đầu nạn làm hàng giả hoành hành, Cty gần như bất lực, không thể làm gì hơn ngoài việc hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật, hàng nhái. Cty TNHH Thanh Giang, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường) là đơn vị đầu tiên nỗ lực nghiên cứu, thiết kế thử nghiệm và đạt được những thành công vượt bậc trong cải tiến và cho ra đời một mẫu máy đập lúa liên hoàn hoàn hảo hơn so với các loại máy đã có từ trước đến nay. Cty đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế cho giải pháp chỉnh buồng đập, tạo thuận tiện cho người sử dụng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi Cty cung cấp các lô hàng đạt chất lượng cao đầu tiên của mình đến tay người tiêu dùng thì trên thị trường đã có nhiều loại sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp khác xuất bán với mức giá cạnh tranh cao. Thực tế này đã tồn tại và đến nay vẫn chưa chấm dứt, gây giảm thị phần, hiệu quả sản xuất và cả thương hiệu, giá trị sản phẩm của Cty. Bên cạnh những doanh nghiệp đã bị xâm phạm quyền SHTT nêu trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều doanh nghiệp đã được cấp bằng bảo hộ nhưng vẫn bị xâm phạm về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý... Theo thống kê của lực lượng quản lý thị trường, năm 2010 trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 300 vụ gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm quyền SHTT.

Phụ tùng xe máy của Cty TNHH Mai Văn Đáng (KCN Hòa Xá) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm.  Ảnh: Dương Đức
Phụ tùng xe máy của Cty TNHH Mai Văn Đáng (KCN Hòa Xá) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm.
Ảnh: Dương Đức

Nguyên nhân gây ra tình trạng các doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT, trước hết từ sự hạn chế trong sử dụng quyền SHTT của chính doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp mới đăng ký quyền SHTT đều chưa nắm rõ quyền lợi của mình khi đã được cấp bằng bảo hộ nên không tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của mình. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, không khai thác hoặc khai thác không hiệu quả các quyền được pháp luật bảo hộ đối với các đối tượng được cấp bằng SHTT. Theo quy định, việc sử dụng đối tượng SHTT về kiểu dáng công nghiệp chỉ thuộc quyền duy nhất của doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ. Để sử dụng quyền SHTT tốt hơn, doanh nghiệp phải liên tục kiểm soát diễn biến của thị trường để nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quyền sở hữu của mình, bảo đảm tính độc quyền trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm có gắn đối tượng SHTT. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thiết lập các rào cản kỹ thuật, kinh tế ngay từ khi nghiên cứu, tạo dựng các đối tượng SHTT để bảo vệ thương hiệu. Các biện pháp hữu hiệu thường được áp dụng gồm: tạo tên thương hiệu, biểu trưng không trùng lắp; bao bì, kiểu dáng có độ khác biệt cao, đổi mới bao bì và cách thể hiện; mở rộng hệ thống phân phối bán hàng, tăng cường quan hệ với khách hàng và duy trì, nâng cao chất lượng hàng hoá. Trên thực tế, ở chính những doanh nghiệp đã bị xâm phạm quyền SHTT, sau khi áp dụng các biện pháp trên đã không chỉ giữ vững mà còn phát triển được uy tín, thương hiệu của mình. Điển hình như Cty cổ phần may Sông Hồng, sau khi phải nhờ đến sự hỗ trợ của ngành Công an, Cty đã chống lại được các hành vi vi phạm và bảo vệ được quyền SHTT của mình. Không dừng lại ở đó, Cty còn đẩy mạnh hoạt động cung cấp cho người tiêu dùng cách nhận diện thương hiệu mới; thành lập đội chống hàng giả thương hiệu chăn, ga, gối, đệm Sông Hồng, đồng thời khuyến khích các đại lý cùng tham gia chống hàng giả với các chế độ ưu đãi, khen thưởng thích đáng dành cho những người có thành tích trong công tác này. Cty TNHH JoDo đã nỗ lực tổ chức các hoạt động quảng bá giới thiệu các sản phẩm của mình thông qua việc thành lập thêm nhiều đại lý giới thiệu sản phẩm mới tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc; tham gia nhiều hội chợ triển lãm, có sức thu hút người tiêu dùng cao để quảng bá, giới thiệu về thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Cty tập trung đầu tư công nghệ mới, áp dụng quy trình quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2000 để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng quyền SHTT, Cty luôn bảo đảm thực hiện đăng ký mẫu cho tất cả các sản phẩm mới… Ngoài các biện pháp sử dụng quyền SHTT kể trên, nếu các doanh nghiệp không sử dụng hoặc không có khả năng sử dụng, việc sử dụng không tương xứng với tiềm năng của đối tượng SHTT được cấp bằng bảo hộ thì nên tính đến việc chuyển giao quyền sở hữu theo quy định của pháp luật để bù lại chi phí đầu tư nghiên cứu hoặc thu lợi nhuận từ chính quyền sở hữu đó./.

Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com