Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp

09:01, 21/01/2011

Cty cổ phần cơ khí đúc Cửu Long, CCN Yên Xá (Ý Yên) ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch thương mại. Ảnh: DƯƠNG ĐỨC
Cty cổ phần cơ khí đúc Cửu Long, CCN Yên Xá (Ý Yên) ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch thương mại.
Ảnh: DƯƠNG ĐỨC
Theo kết quả điều tra của Sở Thông tin và Truyền thông, trong tổng số gần 3.600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử còn hạn chế. Tại khối doanh nghiệp Nhà nước, chủ yếu mới áp dụng các phần mềm: soạn thảo văn bản, thống kê, kế toán, thư điện tử. Tại khối doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, đã sử dụng thêm các phần mềm: quản lý nhân sự, xây dựng kế hoạch nhân sự, quản lý công tác bán hàng, quản lý kho, kế toán tài vụ. Các doanh nghiệp trên địa bàn đều sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao với dung lượng trên 2Mbps. Một số ít doanh nghiệp xây dựng được hệ thống mạng nội bộ quy mô lớn, còn lại chủ yếu là hệ thống mạng nhỏ lẻ từ 5 đến 10 máy có kết nối sử dụng mạng ngang hàng. Hầu hết số máy tính được kết nối Internet mới được dùng để truyền dữ liệu hoặc tìm kiếm thông tin. Rất ít doanh nghiệp có website riêng, tuy nhiên việc ứng dụng thương mại điện tử còn ở mức độ sơ khai. Phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá bán hàng, giới thiệu phương thức thanh toán, chưa sử dụng nhiều thư điện tử để giao dịch, chưa có chức năng bán hàng thanh toán qua website. Ngoài ra, hầu hết website của doanh nghiệp trong tỉnh đều có rất ít hoạt động duy trì, phát triển thông tin của trang web và chưa có hoạt động quảng bá website, vì thế hiệu quả hoạt động thương mại đạt được chưa cao. Vào website của các doanh nghiệp: Cty may Sông Hồng, Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên, Cty TNHH đúc thép Thắng Lợi... khách hàng có thể tiếp cận được nhiều thông tin về doanh nghiệp như: giới thiệu quy mô, năng lực, ngành nghề kinh doanh sản xuất, chất lượng giá cả sản phẩm, các chính sách khuyến mại, đối tác  của đơn vị. Nhưng những thông tin này hầu như không được cập nhật các số liệu mới, cá biệt có doanh nghiệp có số liệu duy nhất vào ngày khởi động website. Vì vậy, nhiều trang web của các doanh nghiệp không thu hút được sự quan tâm của khách hàng; hoạt động thương mại điện tử vì thế cũng chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên do chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư hạ tầng máy móc phục vụ ứng dụng thương mại điện tử; chưa có nguồn nhân lực cao, có đủ trình độ công nghệ thông tin để duy trì, phát triển hoạt động và tránh các rủi ro từ tội phạm CNTT. Tỉnh ta chưa có quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông tổng thể nên khi tự đầu tư, các doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển hạ tầng ở những vùng có nhiều nhu cầu sử dụng dịch vụ, chưa cung cấp rộng rãi các dịch vụ tiện ích ở các xã vùng xa trung tâm, chất lượng đường truyền tại các huyện, các xã cũng còn nhiều hạn chế.

Trước thực trạng này, qua các ngành chức năng của tỉnh như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương... đã có nhiều biện pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các khoá đào tạo công nghệ thông tin, bảo mật an ninh; Sở Công Thương tổ chức chương trình hội thảo về ứng dụng thương mại điện tử, cung cấp các kiến thức về lợi ích, cách thức thiết lập, quản lý trang web và các hoạt động phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, để các doanh nghiệp có thể phát triển tích cực các hoạt động thương mại điện tử, từ nhiều năm nay Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật tạo môi trường pháp lý như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin; Bộ Công Thương còn xây dựng cổng Thương mại điện tử quốc gia (www.ecvr.com) giúp các doanh nghiệp dễ dàng chứng nhận xuất xứ sản phẩm (C/0), thuận tiện trong giao dịch kinh doanh qua mạng với các đối tác trong và ngoài nước. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các hoạt động phổ biến kiến thức công nghệ thông tin; tiến hành xã hội hoá công tác đào tạo về công nghệ thông tin trong đó khuyến khích các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế, đặc biệt là bản thân các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nguồn nhân lực./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com