Trong năm năm qua (2006-2010), hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tăng cường năng lực của ngành khoa học và công nghệ nói riêng. Kết quả nói trên tạo tiền đề thuận lợi để khoa học và công nghệ phát triển trong giai đoạn 2011-2015.
Thời gian qua, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các nhà khoa học đã tập trung trí tuệ nghiên cứu nhiều nội dung quan trọng nhằm giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận và thực tiễn do cuộc sống đặt ra, cung cấp luận cứ khoa học cho chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đoàn viên thanh niên Cty TNHH Nam Dược (KCN Hòa Xá) vận hành thiết bị lò hơi sản xuất thuốc.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên đã được tập trung vào những vấn đề định hướng ứng dụng và tiếp cận trình độ thế giới. Do vậy, chất lượng nghiên cứu đã được nâng cao, nhiều công trình nghiên cứu có thể so sánh được với trình độ các nước trong khu vực và khoảng cách về trình độ giữa nước ta và các nước trên thế giới đang được rút ngắn. Các nhà khoa học đã công bố được 1.045 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế.
Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH và CN từ chương trình cấp Nhà nước đến cấp bộ, ngành, địa phương và cơ sở giai đoạn vừa qua đều tập trung vào các nội dung của kế hoạch năm năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 67/2006/QĐ-TTg. Mặc dù kết quả nghiên cứu được tạo ra và mức độ ứng dụng vào sản xuất còn ở những cấp độ khác nhau, nhưng về cơ bản, các nhiệm vụ KH và CN trong giai đoạn vừa qua đã được thực hiện nghiêm túc. Phần lớn các nhiệm vụ trong giai đoạn này đã gắn kết chặt chẽ với sản xuất và đời sống. Nhiều kết quả nghiên cứu đã có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Vì vậy, tác động trực tiếp của các kết quả nghiên cứu đã tăng lên đáng kể, được nhiều bộ, ngành, địa phương thừa nhận.
Với mức đầu tư vẫn còn rất thấp nếu xét về giá trị tuyệt đối, nhưng trình độ nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản, sản xuất vắc-xin, trong điều trị bệnh tim mạch, công nghệ tế bào, một số công nghệ dùng trong đóng tàu thủy, y tế đã sánh ngang trình độ của các nước trong khu vực. Trong vòng mười năm trở lại đây, các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo và tuyển chọn được 170 giống lúa, hàng chục giống ngô và giống cây lương thực khác (khoai lang, sắn,...). Nhờ vậy, đến nay hơn 80% diện tích lúa được trồng bằng giống cải tiến, hơn 90% diện tích ngô trồng bằng ngô lai. Vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp được chú trọng, nhất là ở vùng vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (đến nay 90% diện tích lúa đã được cơ giới hóa khâu làm đất, hơn 70% khâu thu hoạch cũng đã được cơ giới hóa). Chính các tiến bộ KH và CN nói trên đã góp phần quyết định làm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả đầu tư đối với cây lương thực.
Các kết quả nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin mới và các chế phẩm y sinh đặc chủng trong y tế được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chúng ta không những đã đủ khả năng sản xuất 10/10 loại vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng mà còn chủ động nghiên cứu để tự sản xuất vắc-xin chống lại chủng vi-rút H5N1, H1N1 rất nguy hiểm. Kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ; hàng trăm nghìn người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ và trình độ kỹ thuật ngang với các nước trong khu vực và một số nước tiên tiến.
Trong những năm qua, nghiên cứu phát triển công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã góp phần giúp cho ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam có những bước tiến toàn diện, vượt bậc, tăng nhanh năng lực, không ngừng hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, hạ tầng viễn thông đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, công nghệ thông tin phát triển tốc độ 30%/năm, công nghiệp phần cứng đạt tốc độ trung bình từ 20 đến 30%; công nghiệp phần mềm và dịch vụ đạt tốc độ phát triển trung bình từ 30 đến 40%. Để phát triển thị trường công nghệ, nhiều hoạt động xúc tiến đã được triển khai như chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), được xã hội đánh giá là một trong những hình thức hoạt động có hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua số lượng các đơn vị tham gia và hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết ngay trong thời gian tổ chức.
Cơ chế quản lý các tổ chức KH và CN đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền thành lập các tổ chức KH và CN, phạm vị hoạt động của các tổ chức này được mở rộng từ nghiên cứu, đào tạo, đến sản xuất và dịch vụ KH và CN. Đã xuất hiện nhiều tổ chức KH và CN ngoài nhà nước, nhiều cơ sở sản xuất trong các viện nghiên cứu, trường đại học góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về KH và CN đã được cải tiến một bước thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy.
Sau nhiều năm theo dõi hoạt động KH và CN nhất là năm năm trở lại đây, chúng tôi thấy tuy KH và CN được xác định là động lực, là quốc sách nhưng nhiều nơi, nhiều lúc, việc chú ý đầu tư, chăm lo lợi ích chính đáng của nhà khoa học, việc hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế KH và CN cũng như việc sử dụng tư duy khoa học để giải quyết vấn đề kinh tế còn chưa thật sự được quan tâm trong suy nghĩ và hành động của các ngành, các cấp. Hoạt động KH và CN vẫn còn coi là việc của ngành KH và CN do vậy nhiều chương trình và kế hoạch đề ra chậm được thực hiện. Thực tế cho thấy, ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính cho hoạt động KH và CN, chiếm tới 65 đến 70% tổng đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KH và CN. Như vậy, trong điều kiện quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, mức đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KH và CN của Việt Nam hiện nay (ước tính đạt khoảng 1% GDP) còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và thế giới. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nói trên là đầu tư cho KH và CN chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Việc gắn kết các doanh nghiệp với các tổ chức KH và CN trong hoạt động nghiên cứu triển khai còn rất lỏng lẻo, chưa thành một mối quan hệ chiến lược mang tính liên minh bền vững.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các nhiệm vụ KH và CN giai đoạn 2011-2015 phải hướng tới mục đích là tạo ra kết quả nghiên cứu có chất lượng, tiếp cận được trình độ quốc tế; tạo ra công nghệ và sản phẩm có tác động lớn đối với sản xuất và đời sống, nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi nước ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Khuyến khích và ưu tiên các nhiệm vụ KH và CN có định hướng tìm kiếm bí quyết công nghệ (ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp), qua đó hình thành và phát triển mối liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất kinh doanh.
Đầu tư từ ngân sách Nhà nước được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm cho các tổ chức KH và CN nhằm hình thành và phát triển một lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực. Việc đầu tư sẽ được thực hiện gắn kết quả với hiệu quả hoạt động của nghiên cứu của tổ chức KH và CN. Kết quả đánh giá là thước đo hiệu quả hoạt động, là căn cứ cho các chủ trương đầu tư lĩnh vực KH và CN.
Tập trung tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến. Khuyến khích các doanh nghiệp (trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa) đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu và làm chủ các công nghệ then chốt, hướng vào việc tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng. Ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng KH và CN trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nông thôn (trước hết là giống, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản...) nhằm hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các tiến bộ KH và CN thích hợp cho khu vực nông thôn và miền núi, chú trọng các vùng đặc biệt khó khăn nhằm phát huy thế mạnh vùng miền, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao tiềm lực KH và CN của đất nước đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2015. Sử dụng và khai thác có hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Đưa vào hoạt động hai khu công nghệ cao tại Hòa Lạc và TP Hồ Chí Minh./.
Hà Hồng