Ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường

09:10, 27/10/2010

Ngày 6-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 179/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tài nguyên và môi trường (TNMT) đến năm 2015, định hướng năm 2020. Thực hiện chủ trương này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực thực hiện, phấn đấu xây dựng cơ sở dữ liệu TNMT; hệ thống trao đổi thông tin trực tuyến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố…

 Trung tâm thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường) ứng dụng CNTT trong xây dựng bản đồ quy hoạch phân bố sử dụng đất. 									            Ảnh: Dương Đức
Trung tâm thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường) ứng dụng CNTT trong xây dựng bản đồ quy hoạch phân bố sử dụng đất.
Ảnh: Dương Đức

Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian qua, bằng các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và kinh phí sự nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung đào tạo, nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác chuyên môn, công tác quản lý Nhà nước về TNMT. Bên cạnh đó, Sở đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông qua các dự án đầu tư thiết bị CNTT giai đoạn 2006-2007; xây dựng hệ thống mạng LAN kết nối thông qua mạng Internet, đồng thời triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về TNMT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, khai thác thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý TNMT của tỉnh. 5 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử hơn 30 lượt cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ về ứng dụng CNTT; hàng năm, cử cán bộ đi học tập, tiếp thu, chuyển giao công nghệ mới và mở các lớp tập huấn, đào tạo tin học chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ viên chức của ngành. Đến nay, 100% cán bộ, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường đã biết sử dụng và khai thác hiệu quả CNTT trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các phòng nghiệp vụ đều được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn; 100% cán bộ công chức biết tiếp cận, khai thác các tiện ích của Internet… Sở đã thực hiện kết nối mạng LAN để phục công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Sở, đồng thời trao đổi thông tin của Sở với các huyện, thành phố. Từ năm 2006, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện dự án "Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý Nhà nước về hồ sơ địa chính từ Sở Tài nguyên và Môi trường đến xã, phường, thị trấn". Dự án đã tiến hành triển khai thử nghiệm thành công tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Từ đó đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm thông tin TNMT triển khai ở 10 xã, thị trấn trong tỉnh và sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác của tỉnh trong thời gian tới. Triển khai ứng dụng phần mềm Hệ thống thông tin đất đai CiLIS, đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và nhu cầu sử dụng, khai thác thông tin đất đai của tỉnh; hỗ trợ, phục vụ các quy trình nghiệp vụ địa chính; các chủ trương, chính sách đất đai theo điều kiện đặc thù của tỉnh. Thành lập hệ thống bản đồ, hồ sơ kỹ thuật thửa đất, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai, biểu thống kê đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ thành lập bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ theo dõi, quản lý biến động đất đai... Dự án đánh giá hiện trạng khoáng sản cát sông và ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý, khai thác cát trên các tuyến sông lớn thuộc tỉnh. Thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ địa hình, bản đồ tài nguyên khoáng sản cát trên sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào, sông Đáy tỷ lệ 1/5.000, bản đồ các điểm mỏ tỷ lệ 1/25.000 và bản đồ khoáng sản toàn tỉnh tỷ lệ 1/50.000 bằng công nghệ số. Đánh giá được thực trạng về trữ lượng, khả năng bồi tích cát trên từng tuyến sông và tình hình quản lý, khai thác cát trên các sông, từ đó đề ra giải pháp cụ thể nhằm quản lý hiệu quả hoạt động khai thác sa khoáng. Xây dựng hệ thống ngân hàng dữ liệu khoáng sản tỉnh với đầy đủ các chức năng phục vụ công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản và giám sát sự biến động nguồn tài nguyên này. Ngoài ra, các dữ liệu về quy hoạch sử dụng đất, khoáng sản, các điểm mỏ khoáng sản được cấp phép, hệ thống hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều đã được số hóa, lưu trữ và quản lý bằng máy tính, góp phần tạo ra cơ sở dữ liệu nền phục vụ công tác điều tra cơ bản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành… Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường còn ứng dụng công nghệ GIS trong xây dựng hệ thống bản đồ môi trường, quản lý các cơ sở, các điểm ô nhiễm tại các khu, CCN, các làng nghề... quản lý các điểm quan trắc và số liệu phân tích chất lượng nước, đất, không khí của các điểm. Qua đó tạo điều kiện cho việc phân tích, đánh giá tác động môi trường của các cơ sở sản xuất, chia sẻ thông tin qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền bảo vệ môi trường...

Nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của CNTT trong lĩnh vực TNMT, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác này theo tinh thần Quyết định số 179 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược ứng dụng và phát triển CNTT TNMT đến năm 2015 và định hướng năm 2020. Trước mắt, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 1699/QĐ-BTNMT ngày 16-9-2010 về việc phê duyệt Dự án xây dựng cổng thông tin điện tử TNMT; triển khai thực hiện Quyết định số 1429/QĐ-BTNMT ngày 9-8-2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TNMT. Tiếp tục xây dựng kho dữ liệu số, phát huy hiệu quả hệ thống mạng và cơ sở hạ tầng CNTT hiện có, từng bước áp dụng tin học hóa trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu ứng dụng CNTT trong công tác quản lý Nhà nước về TNMT, ngoài việc phát huy hiệu quả hiện trạng CNTT hiện có, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục huy động các nguồn lực và tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành phát triển các phần mềm hữu dụng để đẩy nhanh quá trình ứng dụng CNTT của ngành, góp phần thực hiện tốt vai trò, chức năng quản lý Nhà nước về TNMT trong giai đoạn hiện nay./.

Phạm Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com