Bảo đảm chất lượng cuộc điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe nhìn toàn quốc

02:06, 09/06/2010

     Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, ngành Thông tin - Truyền thông đã có sự phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô, công nghệ và loại hình dịch vụ. Hệ thống phát thanh truyền hình ngày càng được hiện đại hoá với nhiều phương thức truyền thông, giúp người dân dễ dàng nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp cận các thông tin trong cuộc sống hàng ngày và không ngừng nâng cao dân trí. Cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông không ngừng được bổ sung công nghệ mới, mở rộng vùng phủ sóng đến tận các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, bảo đảm thông tin cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và nhu cầu thông tin liên lạc của người dân ở mọi miền đất nước. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường hiện nay, thực tiễn phát triển thông tin và truyền thông của nước ta đã bộc lộ một số điểm hạn chế. Mức độ phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông, Internet và nghe nhìn ở các vùng miền, địa phương còn chưa được hài hoà. Những thông tin, số liệu chưa được nắm bắt, cập nhật đầy đủ, chính xác vì vậy không thể xây dựng chi tiết các chính sách, chương trình phát triển thông tin truyền thông.

Trung tâm Viễn thông Giao Thuỷ được đầu tư
            thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
            Ảnh:  Dương Đức
Trung tâm Viễn thông Giao Thuỷ được đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
                                                                          Ảnh: Dương Đức

     Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 420/QĐ-TTg ngày 31-3-2010 về điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe nhìn toàn quốc năm 2010. Theo đó, cuộc điều tra được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, quy mô thu thập thông tin đến từng hộ gia đình, từng thôn xóm và các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng trên toàn quốc. Kết quả của cuộc điều tra sẽ giúp Nhà nước thu thập được các thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về điện thoại, Internet và nghe nhìn ở cấp Trung ương và địa phương; xây dựng các chương trình, dự án về phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực thông tin, truyền thông góp phần thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các vùng, miền trên cả nước; xây dựng các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm tới.

     Để triển khai thực hiện thắng lợi cuộc điều tra, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch điều tra trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban chỉ đạo điều tra của tỉnh căn cứ vào quy mô số xã, thôn của các địa phương, từ đó đưa ra các phương án tập huấn linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa lý, hành chính của từng huyện, từng xã, thôn. Theo đó, tại các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, đội ngũ giảng viên do tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn; trưởng ban văn hoá các xã, thị trấn; lực lượng điều tra viên trên địa bàn huyện được chính đội ngũ cán bộ xã, thị trấn, trưởng ban văn hoá tiến hành tập huấn. Các phương tiện giảng dạy cũng được Ban chỉ đạo điều tra và các địa phương phối hợp chuẩn bị đầy đủ như: máy chiếu, màn chiếu, âm thanh, máy phát điện dự phòng. Phương pháp tập huấn được tập trung nhiều thời gian cho các điều tra viên thực hành thử các bản điều tra ngay trên lớp. Các điều tra viên còn được trực tiếp giải đáp tỷ mỉ những thắc mắc về nghiệp vụ chuyên môn như: cách cộng trang, đánh số thứ tự, cách ghi tổng hợp đối với hộ nghèo, hộ chính sách, số lượng nhân khẩu trong hộ khẩu, cách đánh dấu các tiêu chí... Nhờ đó chỉ trong vòng 8 ngày (từ 20 đến 28-5) công tác tập huấn đã được tiến hành tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng số 15 lớp tập huấn cho 4276 học viên. Nội dung tập huấn được thực hiện thống nhất với phương pháp triển khai và cung cấp sâu các kiến thức giúp điều tra viên có đủ trình độ nghiệp vụ cần thiết để tiến hành điều tra thực tế hiệu quả. Công tác bàn giao tài liệu hướng dẫn, biểu mẫu điều tra được tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo tỉnh khẩn trương tổ chức in ấn và bàn giao tới Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, thành phố để bàn giao đầy đủ tài liệu, phiếu điều tra tới 3708 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố các xã phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đến hết ngày 27-8, đã bàn giao cho Phòng Văn hoá - Thông tin 20 phiếu điều tra số 02 (điều tra trên địa bàn huyện, thành phố); bàn giao cho các xã, phường, thị trấn 478 phiếu số 03; bàn giao cho các đồng chí trưởng thôn, tổ trưởng dân phố 39890 phiếu. Bên cạnh đó, Sở Thông tin - Truyền thông và Ban Chỉ đạo điều tra còn đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc điều tra thống kê trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, đài phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử… để các tổ chức, các hộ gia đình trong tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc điều tra nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm hợp tác trong cuộc điều tra. Ngày 1-6, theo đúng thời điểm quyết định của Bộ Thông tin - Truyền thông, công tác điều tra thực tế về hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe nhìn được đồng loạt ra quân thực hiện trên toàn tỉnh. Chỉ trong 3 ngày (từ 1 đến 3-6) toàn tỉnh đã có 8/10 huyện, thành phố hoàn thành 100% mức độ phiếu điều tra số 02 (cấp huyện, thành phố) và huyện Mỹ Lộc hoàn thành 100% mức độ phiếu điều tra số 03. Các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ hoàn thành 30% mức độ phiếu điều tra số 03 (cấp xã, phường, thị trấn); thành phố Nam Định đạt 45% mức độ phiếu điều tra số 03. Riêng mức độ hoàn thành phiếu 04 (cấp thôn, tổ dân phố), huyện Trực Ninh đã đạt 45%, huyện Mỹ Lộc 38%, thành phố Nam Định đạt 25%. Người dân với thái độ hợp tác đã cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo yêu cầu của điều tra viên.

     Cuộc điều tra được tiếp tục tiến hành đến hết ngày 30-6-2010, vì vậy về tiến độ chắc chắn tỉnh ta sẽ hoàn thành trước thời hạn. Hiện tại. Sở Thông tin - Truyền thông, Ban chỉ đạo các cấp tích cực đẩy mạnh công tác chỉ đạo, giám sát điều tra, nhằm nắm bắt chính xác mọi diễn biến để có thể dứt điểm tránh mọi sai sót ngay trong các bước điều tra. Sở Thông tin - Truyền thông cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mọi tổ chức, người dân tự giác nâng cao ý thức hợp tác điều tra góp phần bảo đảm cuộc điều tra thu thập được các số liệu chính xác nhất./.

Nguyễn Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com