Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa đưa ra dự báo lượng khí thải toàn cầu có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, trong bối cảnh giá năng lượng tăng do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đang thúc đẩy các quốc gia đầu tư vào năng lượng tái tạo. Báo cáo “Triển vọng năng lượng thế giới 2022” của IEA nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể là một bước ngoặt lịch sử hướng tới một tương lai sạch hơn và an toàn hơn.
Một nhà máy nhiệt điện và các tuabin gió tại Luetzerath (Đức). |
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang gây ra một cú sốc về độ rộng và độ phức tạp chưa từng có. Những chấn động lớn nhất đã được ghi nhận trên thị trường khí đốt tự nhiên, than đá và điện, đòi hỏi các nước thành viên IEA phải phát hành hai kho dự trữ dầu với quy mô lớn để tránh sự gián đoạn nghiêm trọng.
Báo cáo “Triển vọng năng lượng thế giới 2022” của IEA cảnh báo, thị trường năng lượng đang cực kỳ dễ bị tổn thương và cuộc khủng hoảng là một lời nhắc nhở về sự mong manh, không bền vững của hệ thống năng lượng toàn cầu hiện tại. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu do cuộc xung đột ở Ukraine đang tạo ra những thay đổi sâu sắc và lâu dài, có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng bền vững, an toàn hơn.
Năm 2021, IEA cho rằng, “chưa thấy rõ khả năng lượng phát thải toàn cầu đạt mức đỉnh”. Tuy nhiên, các khoản đầu tư mới và lớn hơn vào năng lượng gió cũng như năng lượng mặt trời đang khiến nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch tăng lên mức đỉnh hoặc hầu như không thay đổi, dẫn đến giảm lượng khí thải. Theo đó, tiêu thụ than đá hiện đang tạm thời gia tăng sẽ giảm trở lại trong vài năm tới, khi sản lượng năng lượng tái tạo tăng.
Trên thực tế, bên cạnh các biện pháp ngắn hạn để cố gắng bảo vệ người dân trước những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều chính phủ hiện đang thực hiện các bước dài hạn hơn. Một số quốc gia đang tìm cách tăng hoặc đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu và khí đốt, tìm cách đẩy nhanh các thay đổi về cơ cấu như sử dụng tua-bin gió, tấm pin mặt trời, nhà máy điện hạt nhân, nhiên liệu hydro, xe điện và máy bơm nhiệt điện. Tại Mỹ, Quốc hội đã thông qua hơn 370 tỷ USD chi tiêu cho các công nghệ như vậy theo Đạo luật giảm lạm phát gần đây. Nhật Bản đang theo đuổi một chương trình “chuyển đổi xanh” mới sẽ giúp tài trợ cho năng lượng hạt nhân, hydro và các công nghệ phát thải thấp khác.
Dựa trên các biện pháp và chính sách mới nhất của các chính phủ nhằm ứng phó giá năng lượng tăng cao, IEA dự báo đến năm 2030, đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu sẽ tăng hơn 50% so với mức hiện nay, lên 2.000 tỷ USD/năm. Theo IEA, những biện pháp ứng phó giá năng lượng tăng cao sẽ giúp thúc đẩy triển vọng lợi nhuận của năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định, các chính sách và thị trường năng lượng đã thay đổi do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, không chỉ trong thời điểm hiện tại mà trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo thế giới vẫn có nguy cơ chứng kiến mức tăng nhiệt độ toàn cầu khoảng 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này, dẫn đến những tác động nghiêm trọng đối với khí hậu. IEA đã đưa ra một kịch bản để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tiêu chí cần thiết để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo của IEA được đưa ra chưa đầy hai tuần trước khi các quốc gia chuẩn bị tham gia cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập. Sự kiện này là nơi các nước sẽ thảo luận về việc nỗ lực hạn chế phát thải nhiên liệu hóa thạch và các nước giàu sẽ cung cấp nhiều viện trợ tài chính hơn cho những nước nghèo./.
Theo HNM