Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) |
Ngày 19/10, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hạ cảnh báo đi lại tới 76 quốc gia/vùng lãnh thổ từ cấp độ 2 trên thang cảnh báo 4 cấp xuống cấp độ 1, tức là chỉ khuyên công dân Nhật Bản tới các quốc gia/vùng lãnh thổ này phải đề cao cảnh giác trước dịch Covid-19.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu “nói chung đang cải thiện” và các nước thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã dỡ bỏ các cảnh báo đi lại.
Với quyết định này, Nhật Bản đã dỡ bỏ cảnh báo công dân hạn chế đi tới bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào nếu không có việc cần thiết.
Tuy nhiên, bộ trên vẫn khuyến cáo những người có kế hoạch đi ra nước ngoài cần tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ.
Trong danh sách 76 quốc gia/vùng lãnh thổ được hạ cấp cảnh báo lần này có 6 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 11 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực Mỹ Latinh, 20 quốc gia/vùng lãnh thổ ở châu Âu và 39 quốc gia/vùng lãnh thổ ở Trung Đông và châu Phi.
Ở chiều ngược lại, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại ở Nhật Bản.
Ngày 18/10, nước này ghi nhận thêm 43.272 ca nhiễm mới, tăng 28.384 ca so với 1 ngày trước đó, và 72 ca tử vong vì Covid-19.
Đây là lần đầu tiên trong 5 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 40 nghìn ca/ngày.
Trong bối cảnh đó, giới chức y tế Nhật Bản lo ngại, nước này có thể sẽ phải đối mặt với 2 đại dịch xảy ra cùng 1 lúc vào mùa đông tới, gồm dịch Covid-19 và dịch cúm mùa, khiến mỗi ngày có tới 750 nghìn người bị nhiễm, trong đó có 450 nghìn người mắc Covid-19 và 300 nghìn người mắc cúm mùa.
Để đối phó với kịch bản tồi tệ đó, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch tập trung nguồn lực y tế cho các đối tượng có nguy cơ cao, như những người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 tuổi trở xuống, cùng với phụ nữ đang mang thai và người có bệnh lý nền bất kể độ tuổi.
Theo nhandan.vn