Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, khí hậu và các cuộc xung đột đang gây tác động nghiêm trọng tới đời sống của những người nghèo nhất. Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 1,3 tỷ người, trong đó một nửa là trẻ em và người trẻ tuổi, trên thế giới sống trong tình trạng nghèo đói, mất an ninh lương thực, thu nhập bấp bênh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch đẩy thêm khoảng 143-163 triệu người trên thế giới vào tình trạng nghèo khó trong năm 2021; tỷ lệ người nghèo tăng khoảng 8,1% năm 2020 so với năm 2019.
Gần 50% người bị đẩy vào diện nghèo tập trung ở các nước Nam Á, hơn 30% ở khu vực miền nam sa mạc Sahara ở châu Phi. Sau khi nghiên cứu dữ liệu từ 22 quốc gia, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra kết luận rằng, những hệ lụy của xung đột đối với các nền kinh tế đã đẩy hàng triệu trẻ em ở Đông Âu và Trung Á rơi vào cảnh nghèo đói. Trẻ em là đối tượng chịu gánh nặng lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế do xung đột. Xung đột cùng với lạm phát leo thang đã đẩy thêm 4 triệu trẻ em ở Đông Âu và Trung Á rơi vào cảnh nghèo túng, tăng 19% so với năm 2021. Một hộ gia đình nghèo đồng nghĩa là phần thu nhập mà gia đình đó phải chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và nhiên liệu, trong khi cắt giảm phần chi vào chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em.
Những tác động tiêu cực từ đại dịch, xung đột, biến đổi khí hậu càng làm gia tăng khoảng cách giàu-nghèo và sự bất bình đẳng. Các nước đang phát triển mặc dù không phải đóng vai trò tác nhân chính gây biến đổi khí hậu song đang hứng chịu nhiều thiệt hại nhất của tình trạng này. Sự bất bình đẳng đang là vấn đề hiện hữu, gây ra nhiều hệ lụy khi nhiều người bị gạt ra ngoài lề xã hội, chịu sự phân biệt đối xử và bị tước đi những quyền cơ bản của con người. Những người sống trong cảnh đói nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Họ không được hưởng các lợi ích của giáo dục, dịch vụ y tế chất lượng. Tình trạng bất bình đẳng, đói nghèo gia tăng cản trở tiến bộ xã hội, là vật cản lớn trong lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong bối cảnh năm 2023 là năm Liên hợp quốc thực hiện đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện các mục tiêu này, đây là cơ hội cho các chính phủ khẳng định quyết tâm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 và cam kết tìm kiếm những giải pháp bền vững để xóa nghèo, tạo cơ hội việc làm cho tất cả mọi người, xây dựng xã hội bình đẳng và bác ái hơn.
Chủ đề của Ngày Quốc tế xóa nghèo năm nay là thông điệp kêu gọi xóa nghèo dưới mọi hình thức. Đó không chỉ là mục tiêu cần ưu tiên trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, mà còn là nhân tố cần thiết để xây dựng cuộc sống bền vững, phúc lợi và bảo vệ phẩm giá cho tất cả mọi người. Nhằm thể hiện sự chia sẻ khó khăn, chung tay cứu giúp hàng triệu người đang phải vật lộn để duy trì cuộc sống mỗi ngày, nhân Ngày Quốc tế xóa nghèo năm nay, Liên hợp quốc kêu gọi thế giới đoàn kết để cùng nhau hoàn thành mục tiêu xóa đói nghèo.
Trong lộ trình thực hiện mục tiêu này, cần hơn bao giờ hết sự hợp tác chặt chẽ của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và mọi người dân nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế bền vững và công bằng xã hội.
Theo nhandan.vn