Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết nước này sẵn sàng cung cấp tới 500 nghìn tấn ngũ cốc cho các nước nghèo nhất trong 4 tháng tới, với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ khi Nga và Ukraine ký Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen ngày 22-7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, hàng triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm từ hoa hướng dương, lúa mạch, hạt cải và đậu nành đã được xuất khẩu từ Ukraine. Thỏa thuận trên có hiệu lực trong vòng 120 ngày, theo đó sẽ hết hạn trong nửa cuối tháng 11 tới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ủng hộ việc gia hạn và thực thi đầy đủ sáng kiến trên cũng như thỏa thuận đã ký kết với Nga. Cả 2 thỏa thuận này nhằm bảo đảm đưa ngũ cốc và phân bón của Ukraine cũng như của Nga ra thị trường thế giới để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng tới hàng tỷ người.
Australia cấm nhập cảnh đối với du khách mang theo sản phẩm thịt
Australia đã áp dụng hình thức phạt đối với một du khách nước ngoài, sau khi người này định vận chuyển một số các sản phẩm từ thịt vào quốc gia này.
Bộ trưởng Nông nghiệp Murray Watt và Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil cho biết, chính phủ đã áp dụng mức phạt tiền là 2.664 USD, đồng thời cấm nhập cảnh đối với vị du khách này, sau khi phát hiện người này đã không khai báo về các sản phẩm thịt trong quá trình kiểm tra hành lý tại sân bay Perth ngày 18-10. Trong 6kg thịt mà người này mang theo khi nhập cảnh gồm 3,1kg thịt vịt, 1,4kg thịt bò tái, hơn 500g thịt bò đông lạnh và gần 900g thịt gà. Bà O’Neil cho biết, lực lượng kiểm soát biên giới sau đó đã hủy bỏ thị thực của người này. Việc luật an toàn sinh học của Australia cho phép hủy bỏ thị thực đối với bất cứ du khách nào vi phạm luật và mang rủi ro về mầm bệnh cho quốc gia này.
Thụy Điển và Phần Lan quyết tâm gia nhập NATO
Trong cuộc hội đàm tại Phần Lan, tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin đã nhất trí về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là trong lộ trình của hai nước trong việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thông báo của Chính phủ Phần Lan cho biết hai thủ tướng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác song phương, đặc biệt là việc trở thành thành viên của NATO trong tương lai. Thông báo nêu rõ quan hệ song phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xảy ra đồng thời nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay. Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, nỗ lực của hai nước Bắc Âu vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cáo buộc cả hai nước này chứa chấp những đối tượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cụ thể là các tay súng người Kurd và những người bị buộc tội liên quan vụ đảo chính bất thành năm 2016./.
PV