Sản xuất chất bán dẫn trở thành yếu tố mới trong cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhà máy của tập đoàn sản xuất chất bán dẫn SMIC tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: news.cgtn.com |
Ngày 10-10, cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ Alibaba và Tencent cũng như các công ty sản xuất chip của Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi Mỹ siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc.
Theo The Economic Times, tới 10 giờ sáng ngày 10-10 (giờ Việt Nam), cổ phiếu của Alibaba và Tencent giảm lần lượt 3,3% và 1,7%. Một chỉ số đánh giá các công ty bán dẫn của Trung Quốc cũng giảm gần 6%, trong khi thị trường STAR - thị trường chứng khoán mới tại Thượng Hải có mô hình hoạt động tương tự thị trường Nasdaq (Mỹ), giảm 3,6%.
Trong khi đó, cổ phiếu của tập đoàn quốc tế sản xuất chất bán dẫn SMIC giảm 3,8%, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ NAURA giảm 10% và công ty bán dẫn Hua Hong giảm mạnh 9,5%.
Chất bán dẫn là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất chip điện tử, bộ phận vốn được xem là “bộ não” của các thiết bị như điện thoại thông minh, máy vi tính, ô tô, các loại vũ khí và các thiết bị công nghệ khác. Theo nhận định của các chuyên gia, sản xuất chất bán dẫn là một trong những lĩnh vực cốt lõi trong cuộc đua cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 7-10 đã công bố quy định mới bao gồm hạn chế xuất khẩu một số loại chip sử dụng trong lĩnh vực siêu máy tính và siết chặt các quy định về bán thiết bị bán dẫn. Đây là các động thái nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc tiếp cận các công nghệ về vật liệu bán dẫn mà Mỹ sở hữu, kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng vai trò then chốt này.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu, khi việc phong tỏa trên diện rộng khiến các nhà máy bị đình trệ và làm đứt chuỗi cung ứng. Từ đây, nhiều quốc gia bắt đầu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, để không còn phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Hồi tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, theo đó Washington sẽ đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất bán dẫn và công nghệ cao nội địa. Mỹ cũng đã chi hàng chục tỷ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển ngành này, nhằm mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu chip máy tính kéo dài và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác như Trung Quốc trong việc sản xuất.
Về phần mình, Trung Quốc cũng lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực này trong chương trình đầy tham vọng “Người khổng lồ bé nhỏ”, nhằm hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước cũng như khuyến khích sử dụng nhiều hơn công nghệ được phát triển nội địa. Động thái này được đưa ra để bảo vệ tính toàn vẹn chuỗi cung ứng chất bán dẫn của đất nước khỏi lệnh trừng phạt siết chặt hơn từ phía Mỹ, tình trạng thiếu chip toàn cầu kéo dài và gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 gây ra.
“Việc kiểm soát các chất bán dẫn sẽ không chỉ định hình tương lai của nền kinh tế thế giới, từ lĩnh vực điện toán đám mây đến xe tự hành, nó còn là nền tảng cho sức mạnh quân sự”, Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chiến tranh chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới”, chia sẻ với hãng tin Al Jazeera. Đây cũng là lý do nhiều chuyên gia cho rằng động thái của Mỹ là hoàn toàn có thể dự đoán được. “Nếu nhìn vào chiến lược dài hơi liên quan đến bán dẫn suốt hai năm qua của chính quyền Tổng thống Joe Biden thì động thái cắt đứt nguồn cung chip cao cấp với Trung Quốc là hoàn toàn có thể hiểu được. Mỹ đang nhắm đến các bộ vi xử lý cao cấp chủ yếu được sử dụng cho các ứng dụng thương mại, thậm chí là trong ngành công nghiệp quốc phòng”, ông Dew Ardric Mcneal, Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Longview Global, cho hay.
Theo giới quan sát, các động thái mới nhất này của Mỹ và Trung Quốc cho thấy, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đã bước sang một giai đoạn mới. Không chỉ dừng lại ở cạnh tranh địa chính trị, xuất khẩu hàng hóa, Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng cạnh tranh sang cả lĩnh vực công nghệ và khoa học./.
Theo QĐND