Mì gói và lạm phát

08:24, 18/10/2022

Là món ăn giá rẻ cực kỳ phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Thái Lan, nhưng mì ăn liền đang trở thành một thước đo mới cho tình hình lạm phát tại xứ Chùa Vàng.

Người dân chọn mì ăn liền tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan.   Ảnh: Bangkok Post

Người dân chọn mì ăn liền tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan.

Ảnh: Bangkok Post

Hàng tuần, ông Chayaklit Kitinarong có thói quen mua vài gói mì ăn liền để thay đổi bữa, cũng là để dành dụm thêm tiền bởi đồng lương eo hẹp từ vị trí nhân viên thanh tra xe buýt ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan). Trong khi đó, bà Chanthana Srisahwat coi mì ăn liền là một phần thiết yếu của cuộc sống.

Việc mặt hàng này giữ giá trong hơn một thập kỷ qua đã giúp gia đình của bà với trên 10 miệng ăn tiết kiệm đáng kể chi phí mua thực phẩm. Ít nhất đó là điều mà người phụ nữ này nhẩm tính được. Tuy nhiên, bà lại phải phiền muộn khi những gói mì cuối cùng vẫn không thể đứng ngoài cuộc đua tăng giá. 

“Thông thường, tôi chỉ mua từ 2 đến 3 gói mì ăn liền mỗi lần, nhưng bây giờ phải mua ít hơn. Giá mì gói tăng nên tôi phải dành tiền mua thứ khác”, kênh truyền hình CCTV+ dẫn lời bà Chanthana Srisahwat cho biết.

Mì ăn liền từng được coi là một chỉ số kinh tế tại Thái Lan. Theo SCMP, từ đầu những năm 70, nhờ hương vị thơm ngon, tính tiện lợi và giá thành rẻ, mì ăn liền nhanh chóng chiếm được vị trí trung tâm trong khẩu phần ăn của hàng triệu người Thái có thu nhập thấp - những người mà thói quen mua hàng của họ giúp các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn về “sức khỏe” nền kinh tế.

SCMP dẫn số liệu từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết, Thái Lan nằm trong số những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới với 3,6 tỷ gói vào cuối năm 2021. Hiện 3 thương hiệu Mama, Wai Wai và Yum Yum chiếm gần 90% thị trường mì ăn liền ở Thái Lan và được xuất khẩu đáng kể sang các quốc gia châu Á khác.

Lâu nay, mì ăn liền nằm trong số các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng không được phép tăng giá nếu không có sự chấp thuận của Cục Thương mại nội địa (Bộ Thương mại Thái Lan), với mức giá trần là 6 baht (0,16USD) mỗi gói có khối lượng thông thường. 

Tuy nhiên, SCMP cho biết, lần đầu tiên trong 14 năm qua, Bộ Thương mại Thái Lan đã chấp thuận tăng 16% mức trần giá “món ăn quốc dân” này lên 7 baht/gói. Quyết định này được đưa ra sau nhiều sức ép từ các nhà sản xuất Thái Lan trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, như bột mì tăng 20% hay dầu cọ tăng gấp đôi. Mặt khác, Thái Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì và dầu cọ - hai nguyên liệu cơ bản để sản xuất mì ăn liền, trong đó, Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn hàng đầu cho quốc gia Đông Nam Á này. 

Nhiều chuyên gia đánh giá, giá mì gói tăng góp phần làm trầm trọng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng như đặt thêm gánh nặng lên vai nhiều người tiêu dùng Thái Lan. Theo CCTV+, một người bình thường sử dụng khoảng 15% thu nhập để mua thức ăn, nhưng với các nhóm có thu nhập thấp, con số này lên tới 40%. “Giá lương thực, thực phẩm tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những đối tượng thu nhập thấp”, nhà phân tích Kirida Bhaopichitr tại Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) chia sẻ với CCTV+.

Thực tế, nền kinh tế Thái Lan chưa phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19 dù sớm tái mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch, đồng thời còn chịu tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 vừa qua tăng 6,41% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mốc 7,86% ghi nhận trong tháng trước đó - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua tại Thái Lan, song vẫn cao hơn mục tiêu của Ngân hàng trung ương Thái Lan. 

Dẫu vậy, theo Bangkok Post, nhờ các biện pháp của chính phủ hỗ trợ giá năng lượng và thực phẩm, Bộ Thương mại Thái Lan tin tưởng lạm phát có thể tiếp tục giảm trong quý IV, qua đó đưa tỷ lệ lạm phát toàn phần cả năm vào khoảng 5,5 đến 6,5%. Ngoài ra, Bộ Tài chính Thái Lan cũng nhận định, nền kinh tế nước này vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 3 đến 3,5% trong năm 2022./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com