Cờ của EU. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu với báo giới, bà Simson nêu rõ EC sẽ thúc đẩy đề xuất mua chung khí đốt vào năm 2023, được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trước đó cùng ngày tại Praha (CH Séc).
Theo bà Simson, với đề xuất này, EU có thể ngăn chặn được tình trạng một số quốc gia thành viên sẵn sàng trả giá cao hơn để mua khí đốt khiến giá khí đốt tăng. Trong số những đề xuất dự kiến công bố ngày 18/10 còn có đề xuất thay đổi cách xác định giá tham chiếu khí thiên nhiên.
Tuy nhiên, bà Simson không đề cập đến các đề xuất được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đưa ra vào tuần trước về việc giới hạn giá tạm thời đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu.
Bà cho biết tại các cuộc đàm phán trong vài ngày tới, EC sẽ nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của đa số quốc gia thành viên EU về việc giới hạn giá đối với khí đốt sử dụng cho sản xuất điện.
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi chi phí sản xuất điện tăng vọt do giá khí đốt tăng mạnh sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.
Phần lớn các quốc gia thành viên EU ủng hộ áp giá trần với khí đốt, song lại bất đồng về việc liệu có áp dụng giá trần với cả các giao dịch khí đốt, hợp đồng dài hạn, hay chỉ khí đốt được dùng để sản xuất điện.
Tháng 6 vừa qua, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp giá trần với khí đốt dùng để sản xuất điện để hạ giá điện trong nước. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của các nước khác, dù vẫn còn lo ngại rằng sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt của EU.
Dự kiến, các đề xuất của EC sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 20-21/10 tại Brussels, trước khi có thêm các cuộc đàm phán giữa bộ trưởng năng lượng các nước trong khối vào ngày 25/10 tại Luxembourg.
CH Séc, quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, có kế hoạch triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng vào tháng 11 để bỏ phiếu về các đề xuất này.
Theo nhandan.vn