Người đứng đầu Cơ quan Chính sách Tài khóa (BKF) thuộc Bộ Tài chính Indonesia, ông Febrio Kacaribu dự báo rằng quyết định tăng giá nhiên liệu mới đây sẽ đẩy lạm phát ở quốc gia này trong năm nay lên mức 6,6%-6,8%.
Ông Kacaribu cho biết, theo tính toán của BKF, tỷ lệ lạm phát có thể tăng do tác động của việc điều chỉnh giá nhiên liệu vừa qua và dao động từ 6,6%-6,8% trong năm nay, vượt mục tiêu của chính phủ là từ 4%-4,8%. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho hay lạm phát tính đến tháng 8-2022 ở mức 4,69%, giảm so với mức 4,94% trong tháng 7. Ông Kacaribu cho rằng chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát đến cuối năm nay để duy trì ở mức dưới 7% thông qua chính sách phân phối có kiểm soát và bình ổn giá thực phẩm.
Đức lùi thời điểm loại bỏ hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân
Đức đã quyết định tạm dừng việc loại bỏ nhà máy điện hạt nhân, theo đó đặt 2 nhà máy điện hạt nhân là Neckarwestheim và Isar 2 trong “trạng thái chờ” nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết 2 nhà máy nêu trên (trong số 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức) “sẽ được duy trì đến giữa tháng 4-2023 để đề phòng trường hợp cần thiết”. Cả 2 đều có công suất 1.400 megawatt và do các công ty E.ON cùng EnBW vận hành riêng biệt. Trước đó, Đức có kế hoạch loại bỏ toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của mình vào ngày 31-12 tới.
Quyết định được đưa ra sau khi các đơn vị vận hành lưới điện Đức thực hiện kiểm tra áp lực trên hệ thống, cho thấy có thể xảy ra nhiều giờ khủng hoảng cấp điện trong mùa đông, trong bối cảnh thị trường năng lượng châu Âu bị thắt chặt. Bộ trưởng Habeck giải thích rằng cuộc khủng hoảng này tuy “rất khó xảy ra” và Đức có nguồn cung đảm bảo, nhưng nước này “vẫn phải làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo đầy đủ nguồn cung”. Ông cũng nêu rõ Đức không thay đổi kế hoạch ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân và ngắt toàn bộ nhà máy điện hạt nhân khỏi lưới điện vào cuối năm nay./.
PV