Khủng hoảng thiếu và áp lực cải cách thị trường năng lượng

07:09, 05/09/2022
Trong bối cảnh năng lượng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá mạnh, châu Âu đang phải xoay xở mọi cách nhằm hạ nhiệt trước mắt, cũng như tìm giải pháp bình ổn lâu dài. Bài toán năng lượng vẫn tiếp tục khó tìm ra đáp án.
Công nhân điều chỉnh hệ thống nước của cơ sở lọc dầu Duna ở thị trấn Szazhalombatta (Hungary). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân điều chỉnh hệ thống nước của cơ sở lọc dầu Duna ở thị trấn Szazhalombatta (Hungary). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đình chỉ vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cung cấp khí đốt chính tới châu Âu. Như ngồi trên đống lửa, Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức triệu tập khẩn cấp cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên, nhằm tìm giải pháp kiềm chế giá năng lượng đang tăng nóng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, giá điện tăng vọt làm bộc lộ những hạn chế trong việc hình thành thị trường điện của EU. Bà cho biết, "mái nhà chung" EU cần can thiệp khẩn cấp và cải cách cơ cấu thị trường điện, nhằm bù đắp phần nào nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu bị cắt giảm.

EC vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết về cải cách thị trường năng lượng, song một số quốc gia thành viên đang tỏ ra sốt ruột bằng hành động áp đặt mức trần tạm thời đối với giá bán buôn khí đốt. EU cũng đang xem xét các biện pháp tách giá điện với giá khí đốt và tính đến các nguồn năng lượng khác. Một số quốc gia thành viên EU đã đưa ra các biện pháp giảm giá, nhưng Brussels cho rằng, các nước thành viên EU không nên thực thi các hành động riêng rẽ mà cần phối hợp với nhau mới mang lại hiệu quả tổng thể.

Vào giữa tuần trước, trong chuyến thăm Séc lần đầu kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz (Ô.Sôn) phàn nàn rằng, giá điện hiện nay không hợp lý, do đó cần thay đổi cơ cấu để giải quyết tình hình. Thủ tướng Ðức và người đồng cấp Séc Petr Fiala (P.Phi-a-la) nhất trí cần tìm ra giải pháp chung cho châu Âu về việc giảm giá điện vốn đang phi mã, đồng thời cần tìm hướng đi lâu dài đối với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu Âu.

Quốc gia láng giềng của Ðức là Pháp cũng đứng ngồi không yên trước tình trạng giá năng lượng tăng cao, hạn hán kỷ lục và nắng nóng bất thường. Thủ tướng Elisabeth Borne cho rằng, để tránh nguy cơ thiếu điện trong mùa đông tới, Pháp cần khởi động khẩn cấp lại các lò phản ứng hạt nhân đã đóng cửa. Theo nữ Thủ tướng Pháp, dù các nhà máy điện hạt nhân đang gặp khó khăn trong vận hành, song cần khởi động lại khẩn cấp để tránh gián đoạn việc cung cấp điện trong mùa đông giá lạnh sắp tới. Bà nhấn mạnh, điều này là bắt buộc vì không có biện pháp khác thay thế ngay lập tức nguồn cung khí đốt từ Nga. Pháp có 56 lò phản ứng hạt nhân, sản xuất khoảng 70% lượng điện năng của cả nước. Tuy nhiên, 32 lò phản ứng trong số này hiện ngừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ hoặc kiểm tra nguy cơ ăn mòn trong các lò phản ứng.

 

Bên cạnh việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, Pháp đang cân nhắc áp dụng biện pháp tiết kiệm triệt để thông qua việc áp đặt hạn ngạch tiêu thụ năng lượng. Phát biểu tại Hiệp hội giới chủ Pháp MEDEF, Thủ tướng Elisabeth Borne cảnh báo về nguy cơ phải thực hiện phân phối năng lượng trong mùa đông này, đồng thời thúc giục các công ty triển khai biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng. Bà Borne nêu rõ, Pháp có thể buộc phải áp đặt cắt giảm tiêu thụ năng lượng đối với người tiêu dùng. Theo bà, Chính phủ Pháp đã đề ra một kế hoạch dự phòng, trong đó có hệ thống giao dịch hạn ngạch, giúp các công ty mua và bán hạn ngạch điện, đồng thời kêu gọi các công ty đưa ra kế hoạch tiết kiệm năng lượng ngay trong tháng 9 này.

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Ðiển Magdalena Andersson lại có ý tưởng tách khí đốt khỏi hệ thống định giá điện nhằm giúp giảm giá điện. Nữ Thủ tướng quốc gia Bắc Âu cho rằng, không hợp lý khi các gia đình và công ty Thụy Ðiển mua điện của nước này được sản xuất với giá rẻ nhưng lại phải trả giá cao ngất ngưởng vì nhiều nước láng giềng đang phụ thuộc nguồn cung khí đốt của Nga. Theo bà Andersson, Chính phủ Thụy Ðiển sẽ yêu cầu tách khí đốt khỏi hệ thống định giá điện trên thị trường năng lượng châu Âu, trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt vì căng thẳng giữa các nước châu Âu và Nga. Bà Andersson cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy một liên minh rộng lớn trong EU để giảm giá điện.

Vấn đề năng lượng đang thổi luồng gió nóng vào bầu không khí vốn hanh khô và oi ả bất thường ở châu Âu. Sẽ còn phải đau đầu để các quốc gia EU tìm nguồn cung bổ sung và hạ giá năng lượng trong bối cảnh mùa đông lạnh lẽo đang tới gần.

Theo nhandan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com