Sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 23:00 giờ địa phương (21:00 GMT) ngày 25-9, liên minh trung hữu, bao gồm đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và Forza Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, có nhiều khả năng giành chiến thắng.
Về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, số liệu sơ bộ cho thấy chỉ có 64,67% cử tri Italy đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử này, một con số thấp đáng kể tại một quốc gia có mức độ tham gia chính trị cao trong lịch sử. Cách đây 4 năm, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 74%. Theo các kết quả trên, Italy có thể sẽ có một nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử. Nước này sẽ phải mất vài tuần mới thành lập được một chính phủ mới. Dự kiến, Quốc hội mới sẽ được triệu tập vào ngày 13-10 để bầu ra Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Sau đó, Tổng thống Sergio Mattarella có thể bắt đầu tham vấn với các lãnh đạo đảng để thảo luận về Chính phủ mới. Thủ tướng được bổ nhiệm sẽ đưa ra một danh sách các bộ trưởng, sẽ phải được tổng thống phê chuẩn và sau đó là Quốc hội đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Triều Tiên, Trung Quốc nối lại chuyến tàu chở hàng xuyên biên giới
Ngày 26-9, các đoàn tàu chở hàng xuyên biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã nối lại sau 5 tháng tạm ngừng.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin một đoàn tàu chở hàng từ thành phố Đan Đông của Trung Quốc đã băng qua cây cầu hữu nghị ở biên giới để đến thành phố Sinuiju của Triều Tiên. Hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường sắt qua biên giới hai nước đã bị đình chỉ từ ngày 29-4, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tại thời điểm đó, Bình Nhưỡng thông báo về đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong nước. Các tổ chức viện trợ quốc tế cho rằng chính sách đóng cửa biên giới là nguyên nhân khiến nền kinh tế Triều Tiên bị suy giảm, cũng như dẫn đến việc hàng triệu người dân khó tiếp cận với nguồn cấp cung lương thực.
Đức xin trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết cần phải điều chỉnh các thể chế đa phương phù hợp với thực tế của thế kỷ 21, bao gồm việc trao cho Đức một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an (HĐBA).
Với việc thúc đẩy mở rộng và cải tổ HĐBA, ông Scholz đang theo sát quan điểm lâu đời của Chính phủ Đức. Năm 2020, người tiền nhiệm của ông là bà Angela Merkel tuyên bố rằng LHQ cần được cải tổ, đề xuất mở rộng HĐBA với các thành viên mới như Đức và một số quốc gia châu Á và châu Phi mới nổi trong khi bãi bỏ hệ thống phủ quyết cản trở hiệu quả của cơ quan LHQ./.
PV