Ngày 7-9, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo kêu gọi người dân cảnh giác để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) kéo dài 4 ngày bắt đầu vào cuối tuần này.
Trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Han Duck-soo dự báo số ca nhiễm có xu hướng tăng sau kỳ nghỉ khi lượng người di chuyển tăng, đồng thời kêu gọi mọi người giảm thiểu tụ tập và đeo khẩu trang ở những không gian công cộng trong nhà. Thủ tướng cho biết chính phủ đã lên kế hoạch mở khoảng 6.000 trung tâm điều trị COVID-19 “một cửa” để người dân có thể thực hiện các xét nghiệm, nhận các dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc kháng virus trong kỳ nghỉ tới. Cụ thể, khoảng 30 nghìn nhà thuốc sẽ mở cửa trong kỳ nghỉ lễ bắt đầu từ 9-9.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu
Ngày 5-9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến sự tàn phá của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) trước khi lên đường thăm Pakistan, nơi đang hứng chịu những hậu quả thảm khốc của lũ lụt, ông Guterres nhấn mạnh: “Mọi người quên rằng có một xung đột khác - nơi mà chúng ta đang hủy hoại tự nhiên, và biến đổi khí hậu đang dần hủy diệt hành tinh của chúng ta. Hôm nay là Pakistan và ngày mai có thể là bất cứ nơi nào khác trên trái đất”.
Ông Guterres nhấn mạnh, đối phó với biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng của thời đại chúng ta và cách tiếp cận thông thường sẽ không thể đạt được hiệu quả. Ông cũng cho biết, trong chuyến thăm Pakistan sắp tới, ông sẽ kêu gọi sự ủng hộ lớn của cộng đồng quốc tế.
Thành phố đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo thịt ở nơi công cộng
Thành phố Haarlem ở Hà Lan đã ban hành lệnh cấm quảng cáo thịt tại nơi công cộng từ năm 2024, sau khi loại thực phẩm này được đưa vào danh sách các sản phẩm gây ra khủng hoảng khí hậu.
Theo đó, thành phố này sẽ cấm quảng cáo thịt trên xe buýt, nhà chờ và màn hình tại các không gian công cộng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thịt. Họ cho rằng lệnh cấm là “hành động thái quá trong việc nói cho người dân biết điều gì tốt nhất với họ”. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ngành chế biến lương thực toàn cầu chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính trên trái đất. Trong đó, việc lấy thịt từ động vật gây ô nhiễm gấp đôi so với sản xuất thực phẩm từ thực vật. Nhiều khu rừng đã bị chặt hạ để chăn thả gia súc. Trong khi đó, phân bón được sử dụng để trồng trọt thực phẩm nuôi gia súc rất giàu nitrogen, có thể gây ô nhiễm không khí và nước, biến đổi khí hậu và suy giảm tầng ozone./.
PV