Giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt 30% trong phiên giao dịch đầu tuần hôm nay (5/9), trong bối cảnh Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vừa thông báo ngừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương bắc 1.
* Giá khí đốt châu Âu tăng khoảng 400% so với 1 năm trước
* Các quốc gia EU đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp ứng phó khủng hoảng khí đốt
* Gián đoạn nguồn cung khí đốt Nga cản trở nỗ lực của EU trong việc lấp đầy các kho chứa nhiên liệu
* Nga cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở hoạt động của đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu
Hệ thống đường ống Dòng chảy phương bắc 1 và trạm trung chuyển của đường ống biển Baltic Link tại Lubmin, Đức. (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, giá khí đốt tiêu chuẩn ở châu Âu đã tăng cao tới ngưỡng 272 euro cho mỗi megawatt giờ (MWh) khi vừa mở cửa phiên giao dịch ngày 5/9.
Trong khi đó, trên sàn TTF ở Hà Lan, giá khí đốt giao tháng 10 vào thời điểm 14 giờ theo giờ Việt Nam ở mức 256 euro/MWh, tăng 23% so thời điểm đóng cửa phiên cuối tuần trước, nhưng cao hơn gần 400% so với thời điểm này cách đây 1 năm.
Là một trong những đường ống cung cấp khí đốt chính của Nga cho châu Âu, việc Dòng chảy phương bắc 1 khóa van vô thời hạn làm dấy lên mối lo ngại mới về tình trạng thiếu hụt khí đốt, và có thể buộc các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) phải áp dụng phân bổ khí đốt theo hạn mức trong mùa đông tới.
Giá nhiên liệu tăng vọt trong năm nay đã khiến người tiêu dùng châu Âu gặp khó khăn do chi phí tăng cao, đồng thời buộc một số ngành công nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Châu Âu đã cáo buộc Nga “vũ khí hóa” nguồn cung cấp năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moskva.
Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời cho rằng phương Tây đã phát động 1 cuộc chiến tranh kinh tế và các lệnh trừng phạt đã cản trở hoạt động của các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Đường ống Dòng chảy phương bắc 1, chạy ngầm qua biển Baltic tới Đức, trước đây cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu, nhưng hiện chỉ hoạt động ở mức 20% công suất trước khi Gazprom khóa đường ống này vào tuần trước để bảo trì.
Ngoài hệ thống đường ống trên, 1 tuyến đường chính khác của khí đốt Nga tới châu Âu qua ngả Ukraine cũng bị cắt giảm, khiến EU phải chạy đua tìm nguồn cung cấp thay thế để nạp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt cho mùa đông.
Một số quốc gia trong khu vực đã kích hoạt các kế hoạch ứng phó khẩn cấp, bao gồm cả khả năng có thể phải phân bổ năng lượng theo hạn mức, dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế cũng trở nên càng ngày lớn hơn.
Chi phí năng lượng cao ngất ngưởng đã buộc một số ngành công nghiệp vốn tiêu thụ nhiều năng lượng, bao gồm các nhà sản xuất phân bón và nhôm, phải thu hẹp quy mô sản xuất, đồng thời buộc các chính phủ EU phải bơm hàng tỷ euro vào các chương trình hỗ trợ các hộ gia đình trong cơn bão giá.
Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 tới để thảo luận về các phương án kiềm chế giá năng lượng tăng vọt, bao gồm áp trần giá khí đốt và cung cấp hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các doanh nghiệp tham gia thị trường năng lượng.
Ngày 4/9, Thủ tướng Olaf Scholz của Đức - cường quốc kinh tế của EU và cũng là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu - cho biết, nước này đã chuẩn bị cho khả năng Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Đức đang ở giai đoạn 2 của kế hoạch khí đốt khẩn cấp 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 sẽ yêu cầu áp dụng hạn mức khí đốt đối với một số ngành công nghiệp.
Trong “cuộc đua” tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt thay thế, Đức đang đẩy nhanh lắp đặt các kho chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tạm thời, cho phép nước này tiếp nhận khí đốt nhập khẩu từ các nhà cung cấp ở xa hơn, đồng thời cũng lên kế hoạch xây dựng các cơ sở LNG kiên cố.
Na Uy, một nước sản xuất khí đốt lớn của châu Âu, cũng đang bơm thêm nhiên liệu vào các thị trường ở châu lục này.
Tuy nhiên, chuyên gia cấp cao Jacob Mandel thuộc hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Aurora Energy (Anh) đánh giá, nguồn cung khan hiếm là 1 vấn đề khó khắc phục, và ngày càng khó để thay thế khí đốt từ Nga, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh và nhu cầu khí đốt tăng lên ở cả châu Âu và châu Á.
Bên cạnh đó, thị trường LNG toàn cầu hiện đã thắt chặt do nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thậm chí, thị trường này đã thu hẹp từ trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Ông Klaus Mueller, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức - cơ quan điều tiết năng lượng của nước này - hồi tháng 8 cho biết, ngay cả khi các kho trữ khí đốt của Đức đầy 100%, nguồn dự trữ này rất có thể sẽ cạn chỉ trong 2 tháng rưỡi nếu dòng khí đốt của Nga bị ngừng hoàn toàn.
Các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện đã đầy khoảng 85%, trong khi mức dự trữ trên toàn châu Âu đã đạt 80% vào tuần trước.
Tuy khí đốt của Nga vẫn chảy đến châu Âu thông qua Ukraine, dù có giảm so với trước, giới phân tích nhận định dòng chảy này cũng có thể trở thành “nạn nhân” của cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo nhà phân tích thị trường khí đốt James Huckstepp của S&P Global Platts, sau khi Dòng chảy phương bắc 1 bị khóa van vô thời hạn, giới chuyên gia hiện đang hướng sự chú ý sang tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Ukraine.
Theo nhandan.vn