Cuộc chạy đua giành nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giữa các nước trên thế giới đang ngày càng trở nên quyết liệt. Điều này có nguy cơ đẩy giá LNG tăng vọt trong thời gian tới.
Tàu chở LNG di chuyển về phía nhà máy nhiệt điện ở thành phố Futtsu, phía Đông Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Theo South China Morning Post, hai nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, bao gồm Korea Gas (Hàn Quốc) và Jera (Nhật Bản) gần đây đã ra thông báo đấu thầu để mua lượng lớn LNG tại thị trường giao ngay nhằm dự trữ cho mùa đông và bảo đảm an ninh năng lượng đến năm 2024. Giới quan sát cho rằng, Tokyo và Seoul sẵn sàng trả giá cao hơn để có được LNG từ Mỹ và Trung Đông. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn cung LNG nhằm thay thế khí đốt từ Nga. So với một năm trước, giá LNG ở châu Âu đã tăng gần 5 lần, làm tăng mạnh hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng, đồng thời gây sức ép cho các công ty dịch vụ thiết yếu.
Trong khi đó, theo Financial Times, châu Á từng là điểm đến hàng đầu của dòng chảy LNG với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Trong một thời gian dài, giá LNG tiêu chuẩn tại châu Á luôn cao hơn so với châu Âu. Nhưng hiện nay, giá LNG tiêu chuẩn ở châu Âu tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) Hà Lan lại cao hơn đáng kể so với châu Á do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Việc giá LNG tại châu Âu duy trì ở mức cao khiến các công ty có xu hướng tìm cách bán hàng sang “lục địa già” để thu được lợi nhuận lớn hơn. Sự chênh lệch về giá lớn đến mức có một số công ty sẵn sàng cắt đứt hợp đồng hiện tại với các khách hàng châu Á và nộp tiền bồi thường để chuyển hướng lô hàng tới châu Âu.
Giới phân tích nhận định, diễn biến thị trường như vậy sẽ buộc châu Á phải chấp nhận trả nhiều tiền hơn nếu muốn mua được LNG. Trong khi các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể chịu được mức giá mua cao, chi phí năng lượng tăng vọt đã trở thành gánh nặng đối với nhiều quốc gia đang phát triển trong cùng khu vực. Ông Sam Reynolds, nhà phân tích năng lượng tại Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ cho biết, trong cuộc chiến mua LNG giữa châu Âu và châu Á, người chiến thắng sẽ là khách hàng có thể trả giá cao nhất.
Ông Reynolds cũng nhấn mạnh: “Bên thua cuộc sẽ là các quốc gia vừa phụ thuộc vào LNG nhập khẩu, vừa thiếu sức mạnh tài chính để mua nhiên liệu với giá cao hơn bằng đồng USD”.
Trước năm 2022, các dự báo đều nhận định rằng, hơn 50% mức tăng nhu cầu LNG trên toàn thế giới cho tới năm 2025 sẽ đến từ các nền kinh tế đang phát triển ở Nam Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, những dự đoán đó đã đổ bể vì EU đột ngột muốn loại bỏ dần khí đốt Nga. IEEFA nhận định, giá liên tục tăng cao và cạnh tranh về nguồn cung làm giảm doanh số bán LNG ở châu Á.
Theo dữ liệu gần đây của Bloomberg, lượng LNG nhập khẩu của châu Á trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đã cắt giảm nhập khẩu LNG vì giá cao. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, lượng LNG nhập khẩu của Ấn Độ đã giảm 10% trong 7 tháng năm 2022, trong khi lượng nhập khẩu của Pakistan giảm 6% và Bangladesh giảm 4%. Thậm chí, Bangladesh đã hoàn toàn rút khỏi thị trường LNG giao ngay.
Trưởng bộ phận kinh doanh và tư vấn toàn cầu Toby Copson ở Tập đoàn năng lượng Triden LNG dự đoán, trong những tháng còn lại của năm 2022 và quý I-2023, các nước châu Á và châu Âu sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn trên thị trường thu mua khí đốt. Còn các nước đang phát triển ở châu Á sẽ phải gia tăng phụ thuộc vào những loại nhiên liệu rẻ nhưng gây ô nhiễm môi trường như than đá và dầu. Ông Copson nhận định, điều này sẽ tác động đến tốc độ của quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại khu vực./.
Theo QĐND