Hàng loạt cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, trong đó có đại dịch COVID-19 và chiến sự ở Ukraine, đã đảo ngược 5 năm tiến bộ loài người và làm gia tăng bất ổn toàn cầu. Đây là những nội dung đánh giá được đưa ra trong báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố mới đây.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một nhà ga ở Tokyo, Nhật Bản ngày 28-7-2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Báo cáo của UNDP cũng chỉ ra rằng lần đầu tiên kể từ khi cơ quan này thành lập hơn 30 năm trước, chỉ số phát triển con người (HDI) giảm liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021. HDI là chỉ số tổng hợp các tiêu chí gồm tuổi thọ trung bình người dân mỗi quốc gia, trình độ giáo dục và mức sống.
Theo lập luận của Giám đốc UNDP - ông Achim Steiner, chỉ số HDI giảm đồng nghĩa với việc tuổi thọ của con người giảm, chất lượng giáo dục giảm, mọi thu nhập của chúng ta đều giảm. “Nếu chỉ dựa vào 3 thước đo này, có thể phần nào hiểu được vì sao có nhiều người bắt đầu cảm thấy bất lực, hoảng sợ và lo lắng về tương lai” - ông Steiner nói.
Đồng quan điểm trên, tác giả chính bản báo cáo của UNDP - ông Pedro Conceicão mô tả sự sụt giảm về chỉ số phát triển con người là một cú sốc chưa từng có. Ông cũng lưu ý thêm về tình trạng một số quốc gia, trong đó có cả Mỹ, đã phải đối mặt với sự sụt giảm trong giai đoạn từ 2 năm hoặc thậm chí là lâu hơn nữa.
Trong khi đó, một chuyên gia khác của UNDP - bà Ulrika Modeer cũng đề cập tới một “sự sụt giảm chưa từng có tiền lệ” đối với tiến bộ của loài người. “Thế giới chắc chắn đã từng chứng kiến những thách thức như vậy trước đây. Chúng ta đã từng trải qua những trận đại dịch, chiến tranh, ảnh hưởng đến hơn một quốc gia trên trên toàn thế giới. Song những gì đang diễn ra vào thời điểm hiện tại và những gì được trình bày trong báo cáo đã cho thấy một tình huống phức tạp không chắc chắn… Rất nhiều thách thức xảy ra cùng một lúc” - bà Modeer nói.
Báo cáo của UNDP cho thấy, chỉ số HDI đã tăng đều đặn trong nhiều thập kỷ, nhưng bắt đầu giảm vào năm 2020 và tiếp tục giảm vào năm 2021, kết thúc chu kỳ tăng của 5 năm trước đó.
Với tiêu đề “Những giai đoạn bất ổn, những cuộc sống bất định”, báo cáo của UNDP chỉ ra đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính đảo ngược những tiến bộ của con người. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng liên tiếp về chính trị, tài chính, khí hậu cũng trở thành tác nhân thu hẹp khả năng phục hồi sau đại dịch.
“Chúng ta đã đối mặt với nhiều thảm họa, chứng kiến nhiều cuộc xung đột trước đây. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra là một bước thụt lùi đáng kể về phát triển con người” - ông Steiner nói. Trong khi đó, báo cáo của UNDP cũng khẳng định đây là một bước thụt lùi toàn cầu, ảnh hưởng tới hơn 90% quốc gia trên thế giới.
Trong khi một số quốc gia đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch, thì nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latinh, châu Phi cận Sahara, Nam Á và Caribe vẫn chưa xoay chuyển tình thế trước khi phải hứng chịu những hậu quả bất ổn từ cuộc xung đột Ukraine.
Theo sự lý giải của ông Steiner thì trong khi những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với vấn đề an ninh năng lượng và lương thực vẫn chưa được đưa vào chỉ số năm nay thì triển vọng cho năm 2022 là “rất mờ nhạt”.
Báo cáo cũng mô tả diễn biến của các hiện tượng như biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và phân cực chính trị, đã đặt nhân loại vào những bất ổn phức tạp “chưa từng thấy trong lịch sử”, dẫn đến cảm giác bất an gia tăng. Những sự biến đổi này đòi hỏi chúng ta đưa ra những tiêu chí mới trong tương lai như: tỷ lệ carbon thấp, bất bình đẳng được thu hẹp và sự bền vững ổn định hơn.
Không chỉ đưa ra những cảnh báo, báo cáo cũng đưa ra một lưu ý tích cực giúp chúng ta cải thiện vấn đề bằng cách tập trung vào ba lĩnh vực chính: đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch trong tương lai, bảo hiểm để hấp thụ các cú sốc và đổi mới để tăng cường năng lực đối phó với khủng hoảng.
Liên quan tới khía cạnh này, ông Steiner kêu gọi đảo ngược xu hướng giảm hỗ trợ phát triển cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Giám đốc UNDP cảnh báo nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường này sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, đồng thời hạ thấp tác động của vấn đề này đối với khả năng hợp tác giữa các quốc gia với nhau./.
Theo dangcongsan.vn