Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 17-8, một lần nữa cảnh báo kịch bản đại dịch COVID-19 không nên lặp lại vì bệnh đậu mùa khỉ đã trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên thế giới.
Người dân xếp hàng bên ngoài phòng khám chờ tiêm vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ ở Chicago, bang Illinois - Mỹ hôm 25-7. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng tôi vẫn lo ngại rằng việc tiếp cận không bình đẳng đối với vắc-xin trong đại dịch COVID-19 đang bị lặp lại”.
Cơ quan y tế toàn cầu của Liên hợp quốc lo ngại rằng các nước đang phát triển “tiếp tục bị bỏ lại phía sau”. Trong khi đó, WHO vẫn liên hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất vắc-xin, cũng như các quốc gia và tổ chức sẵn sàng chia sẻ liều lượng. WHO cảnh báo hiện tại, nguồn cung vắc-xin và dữ liệu về hiệu quả của vắc-xin còn hạn chế, mặc dù WHO đang bắt đầu nhận dữ liệu từ một số quốc gia.
Để ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ đang lan rộng ở châu Âu và Bắc Mỹ, một số quốc gia đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng đến vắc-xin. Nhưng ở các nước châu Phi, nơi căn bệnh này đã lưu hành trong vài thập kỷ, những liều thuốc đậu mùa vẫn còn thiếu. Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh: “Vắc-xin cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, và ở nhiều quốc gia, nhu cầu vắc-xin cao từ các cộng đồng bị ảnh hưởng”.
35 nghìn ca nhiễm, trong đó 7.500 ca được báo cáo vào tuần trước
Theo báo cáo mới nhất của WHO, 35 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 12 trường hợp tử vong đã được ghi nhận tại 92 quốc gia trên thế giới. Gần 7.500 trường hợp đã được báo cáo vào tuần trước, tăng 20% so với tuần trước đó.
Tiến sĩ Tedros cho biết “Gần như tất cả các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ xảy ra - ở châu Âu và châu Mỹ - trong số những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới”; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các quốc gia trong việc thiết kế và cung cấp các dịch vụ và thông tin phù hợp để bảo vệ sức khỏe, quyền con người và phẩm giá của cộng đồng.
Trong bối cảnh số ca đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục gia tăng, trọng tâm chính của tất cả các quốc gia phải là đảm bảo rằng họ đã sẵn sàng để đối phó với chúng. Do đó, vấn đề đặt ra là “ngừng lây truyền bằng cách sử dụng các công cụ hiệu quả, bao gồm tăng cường giám sát dịch bệnh, truy tìm tiếp xúc cẩn thận, truyền thông nguy cơ thích hợp, tham gia cộng đồng và các biện pháp giảm thiểu rủi ro”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 23-7, đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất tổ chức này có thể đưa ra. Theo WHO, việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nghĩa là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này là một “sự kiện bất thường”, có thể lan sang nhiều quốc gia hơn và cần phản ứng phối hợp trên toàn cầu./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)