Giá dầu đang giảm mạnh sau một thời gian dài ở đỉnh cao do cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng dưới con mắt của giới chuyên gia, đây chưa hẳn là dấu hiệu đáng mừng, trái lại cần có những đánh giá thận trọng hơn.
Xu hướng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường đang ngày càng thịnh hành. Ảnh: Getty |
Giá dầu thế giới hiện ở mức thấp hơn cả khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu, giảm hơn 30% trong vòng chưa đầy hai tháng. Nhà phân tích Edward Moya của sàn giao dịch Oanda cho rằng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ không cho phép giá dầu giảm thêm nhiều sau đợt giảm gần đây.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thư ký mới của OPEC Haitham Al Ghais cho biết khả năng trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9, OPEC+ “có thể cắt giảm sản lượng nếu cần thiết”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng có thể tăng sản lượng nếu cần thiết... Quyết định sẽ tùy thuộc vào tình hình”.
Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù giá dầu đang giảm mạnh nhưng vẫn có thể tăng trở lại khi địa chính trị, kinh tế và thời tiết khắc nghiệt ngày càng khó dự báo. Tờ New York Times cho rằng còn quá sớm để ăn mừng. Giá dầu vẫn có thể tăng vọt một cách dễ dàng vì Trung Quốc - quốc gia vẫn theo đuổi chính sách phong tỏa chống dịch - cũng sẽ mở cửa trở lại, làm tăng nhu cầu nhiên liệu.
Ngoài ra, việc Mỹ xả kho dầu dự trữ chiến lược cũng sẽ kết thúc vào tháng 11. Tức là đến lúc đó, kho dầu nước này sẽ cần nạp lại. Khả năng châu Âu tăng sử dụng dầu thay khí đốt trong mùa đông tới cũng cần phải tính tới, bởi khi Nga siết hơn nữa việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu thì lựa chọn của “lục địa già” sẽ không thể khác.
Bên cạnh đó, một sự kiện bất ngờ - như một cơn bão làm ngập kênh Houston Ship và khiến một số nhà máy lọc dầu ở vịnh Mexico ngừng hoạt động trong nhiều tuần hoặc vài tháng - cũng có thể khiến giá nhiên liệu tăng vọt. Những thảm họa đó có thể gây ra tác động không nhỏ đến kinh tế Mỹ và thậm chí toàn cầu.
Dù vậy, mối lo ngại lớn nhất của giới đầu tư, đó là khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Chưa kể, giá dầu còn đang chịu áp lực giảm từ việc đồng USD tăng giá trở lại. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD hồi tuần trước đã có phiên tăng lên mức cao nhất trong một tháng. Khả năng Iran và phương Tây khôi phục thỏa thuận hạt nhân cũng có thể đẩy giá dầu xuống thấp hơn, cho dù việc này trước mắt khó xảy ra.
Thậm chí giá dầu vẫn có thể giảm sâu hơn nữa nếu Iran đồng ý một dự thảo thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ. Việc này sẽ giải phóng lượng xuất khẩu tiềm năng thêm ít nhất một triệu thùng mỗi ngày. Ngoài ra, viễn cảnh lãi suất tiếp tục tăng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế dự đoán suy thoái, kéo theo nhu cầu giảm, dù tỷ lệ thất nghiệp thấp và lợi nhuận vẫn tăng.
Giá dầu là một yếu tố cực kỳ nhạy cảm và có thể chịu tác động bởi những nhân tố địa chính trị, kinh tế... dù là nhỏ nhất. Nhưng việc dự đoán giá dầu vẫn luôn là mối quan tâm của giới chuyên gia và các nhà phân tích bởi giá năng lượng là yếu tố cơ bản để tính giá của mọi hàng hóa, dù đó là ngũ cốc hay vật tư xây dựng.
New York Times cho rằng, dự đoán giá năng lượng luôn là một “trò chơi ngu ngốc” vì có rất nhiều yếu tố tác động, bao gồm kỳ vọng của các nhà buôn, tình hình chính trị của các nước sản xuất dầu như Venezuela, Nigeria, Libya, và các quyết định đầu tư của những hãng dầu quốc doanh lẫn tư nhân.
Ngày nay, những yếu tố này càng trở nên phức tạp hơn và khó đánh giá. Lý do chính là suy thoái toàn cầu “đang cận kề”. Giá dầu giảm còn có thể là biểu hiện của khả năng sản xuất toàn cầu suy giảm. Bởi vậy, giá dầu giảm, nhất là giảm trong một thời gian dài chưa hẳn là điều đáng mừng.
Đặc biệt, cuộc chiến ở Ukraine vẫn là một biến số lớn trong triển vọng nguồn cung, vì Nga đóng góp 10% cho thị trường toàn cầu hiện tiêu thụ 100 triệu thùng mỗi ngày. Từ khi xung đột nổ ra, xuất khẩu của Nga đã giảm khoảng 580 nghìn thùng mỗi ngày. Các biện pháp trừng phạt của châu Âu với dầu Nga sắp có hiệu lực, có thể làm giảm xuất khẩu hằng ngày của Nga thêm 600 nghìn thùng.
Thị trường năng lượng cũng đang gửi đi những tín hiệu trái chiều. Trong dự báo tuần trước, OPEC cho rằng nhu cầu xăng dầu năm nay sẽ yếu hơn so với dự báo đưa ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu năm 2023 sẽ tăng, lên gần 103 triệu thùng mỗi ngày.
Nguồn cung đang dần tăng lên do sản xuất ở Guyana, Brazil và Mỹ tăng. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng đang hưởng ứng, dù không nhiều như Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn. OPEC+ đã hứa sẽ tăng sản lượng lên 600 nghìn thùng mỗi ngày trong tháng 7 và tháng 8. Triển vọng lọc dầu cũng đang cải thiện ở Trung Đông, Mỹ Latin, châu Á và châu Phi.
Một yếu tố khác là nhu cầu ở Mỹ - nơi chiếm hơn một phần ba nhu cầu xăng dầu toàn cầu - lại tương đối thấp. Mùa lái xe hè thường làm tăng lượng tiêu thụ lên 400 nghìn thùng mỗi ngày. Nhưng đến nay, nhu cầu xăng vẫn không đổi so với mức trung bình tháng 4, theo nghiên cứu của J.P. Morgan Commodities. Tuy nhiên, xu hướng đó có thể thay đổi khi giá giảm.
Ngoài ra, cũng cần tính đến xu hướng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư năng lượng hoài nghi về tương lai của dầu mỏ và cho rằng giá dầu trong dài hạn sẽ đi xuống khi nhu cầu sử dụng xe điện tăng lên./.
Theo QĐND