Xuất khẩu văn hóa là một khái niệm nằm trong sức mạnh mềm - thuật ngữ chỉ các cách thức phi truyền thống mà một quốc gia sử dụng nhằm tạo dựng ảnh hưởng của mình.
Vũ công Hàn Quốc biểu diễn múa trống truyền thống trên quảng trường Trafalgar, Thủ đô London (Anh). Ảnh: Tư liệu |
Trong chiến lược xuất khẩu văn hóa của mình, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương phương pháp hóa, tự do hóa ngành thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, điện ảnh, đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm mua sắm, nghe nhìn của cả châu lục, thậm chí vươn tầm ra toàn cầu.
Sau vài thập niên thực hiện chiến lược này, Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia thành công trong lĩnh vực tiếp thị và quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Ngày nay, “K-Wave” (làn sóng Hàn Quốc hay Hallyu - Hàn lưu) đã trở nên phổ biến toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc coi ngành giải trí và truyền thông là một trong những động lực chính cho nền kinh tế quốc gia trong dài hạn. Trong lĩnh vực điện ảnh, Hàn Quốc tiếp thu tinh hoa của điện ảnh thế giới, sáng tạo phong cách và dấu ấn đậm bản sắc Hàn Quốc, kết hợp với nắm bắt tâm lý giới trẻ trong nước, bối cảnh phim gần gũi với cuộc sống, nội dung phim và diễn viên được chọn lựa kỹ càng, kỹ xảo, kinh phí, quy mô... tất cả đều được đặc biệt quan tâm. Nhờ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phong phú, phát triển mạnh, kết nối di động tốc độ cao và sức mua đa dạng trong lĩnh vực giải trí, Hàn Quốc đã trở thành điểm thử nghiệm lý tưởng cho công nghệ và phương tiện giải trí mới. Công nghệ thực tế ảo được áp dụng rộng rãi trong các trò chơi, các chương trình phát sóng thể thao, phim ảnh, tạo sức hút đặc biệt với khán giả. Kết quả những công sức đầu tư đó có thể kể đến siêu phẩm “Parasite” (Ký sinh trùng) giành Giải Oscar 2020 cho phim hay nhất. Năm 2021, “Squid Game” (Trò chơi con mực) đã thu hút người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới và trở thành phim truyền hình được xem nhiều nhất trên Netflix từ trước đến nay. Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã phát triển thành một trong những thị trường năng động nhất thế giới. Năm 2019, quy mô thị trường điện ảnh Hàn Quốc ước tính đạt 2,2 tỷ USD với hơn 226 triệu lượt khán giả. Trong giai đoạn 2020-2021, dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến nhiều lĩnh vực, song tổng quy mô thị trường điện ảnh Hàn Quốc năm 2021 vẫn đạt con số đáng mơ ước 893 triệu USD.
Cùng với sự bành trướng trong điện ảnh, Hàn Quốc đã trở thành thị trường âm nhạc lớn thứ sáu thế giới và lớn thứ hai châu Á. Năm 2021, tổng giá trị của thị trường âm nhạc Hàn Quốc ước tính đạt 6 tỷ USD. Bất chấp việc liên tục hủy hoặc hoãn các sự kiện âm nhạc trực tiếp vào năm 2021 do COVID-19, K-pop được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhờ thành công toàn cầu của các nhóm nhạc lừng danh như BTS và Blackpink.
Để hỗ trợ cho K-pop, Chính phủ Hàn Quốc rất chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Kể từ khi trở thành thành viên WTO vào năm 1995, Hàn Quốc đã tuân thủ hiệp định TRIPs của WTO và tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận đa phương về bản quyền và các vấn đề sở hữu trí tuệ, tham gia ký kết các hiệp định sở hữu trí tuệ quốc tế như: Công ước Bern, Công ước Bản quyền toàn cầu... Thành công ấn tượng của Hàn Quốc trong chiến lược xuất khẩu văn hóa là thông qua các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, nước này đã giới thiệu tới công chúng nền văn hóa truyền thống, nền ẩm thực đặc trưng và các sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thời trang, du lịch... để từng bước định hình thương hiệu Hàn Quốc trong tâm trí người tiêu dùng khắp toàn cầu./.
Theo QĐND