Gánh nặng chi tiêu của người dân xứ sương mù

06:08, 14/08/2022

Những tờ hóa đơn thanh toán năng lượng và thực phẩm giá cao đang khiến người dân Anh cảm thấy “ngộp thở”. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ăn mòn túi tiền của người tiêu dùng xứ sở sương mù, nhiều người chẳng còn cách nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu, thậm chí từ bỏ sở thích của bản thân để có thể vượt qua thời bão giá.

Người dân đi mua sắm tại một khu chợ ở London, Anh. Ảnh: Reuters

Người dân đi mua sắm tại một khu chợ ở London, Anh.

Ảnh: Reuters

Nỗi lo lắng về tài chính đã “phủ bóng” lên giấc mơ du lịch thế giới của nhiều tân cử nhân ở Anh. Theo The Guardian, Rachel Boani, người mới tốt nghiệp Đại học Edinburgh, nói rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chính là yếu tố khiến cô quyết định tìm việc ngay sau khi tốt nghiệp, thay vì đi du lịch hoặc nghỉ ngơi. Cô cho rằng việc đi du lịch sẽ khiến cô mất đi thời gian làm việc. Trong khi đó, Hannah Munden, tân cử nhân Đại học Sussex, đã quyết định chuyển về sống cùng gia đình ở thành phố Brighton để tiết kiệm chi phí. Nếu muốn sống ở London, Munden phải trả tiền thuê nhà đắt đỏ. Chưa kể, cô còn phải chi tiền cho các chi phí sinh hoạt khác. Ở tuổi 22, Munden nhận thức rõ bản thân chưa thể kham nổi những khoản tiền đó, nhất là trong thời điểm giá cả mọi mặt hàng tăng vọt như hiện nay.

Chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng cũng là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ở Anh cãi cọ, mâu thuẫn và muốn chia tay. Song họ không dám ra tòa giải quyết vì lo ngại không đủ chi phí để hoàn tất các thủ tục cần thiết. Theo Metro, trung bình một cuộc ly hôn tốn 14.500 bảng Anh tiền phí pháp lý. Khảo sát từ công ty luật Stowe Family Law cho thấy, 1/4 số cặp vợ chồng đang có ý định ly hôn buộc phải hoãn lại vì phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Luật sư Niamh McCarthy tại Stowe Family Law giải thích: “Hóa đơn điện nước, lãi suất tăng làm nhiều người sợ không có đủ khả năng sống một mình”. Luật pháp Anh quy định các hộ gia đình được hưởng mức giá điện nước, sinh hoạt phí ưu đãi hơn người sống độc thân.

Những tác động của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), chi phí nhập khẩu tăng cao do đồng bảng Anh sụt giảm cùng giá thực phẩm và năng lượng tăng đã tạo nên cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở xứ sở sương mù. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), lạm phát tại nước này đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng 5 năm nay. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1982. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Anh là nước trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ ghi nhận mức lạm phát cao nhất không chỉ trong năm nay mà trong hai năm tới. Khi vật giá leo thang, nhiều người phải sống theo kiểu “thắt lưng buộc bụng”. Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ cho biết, có 9/10 người Anh được khảo sát cho biết ngày càng phải cân nhắc chi tiêu cho thực phẩm.

Hóa đơn năng lượng trung bình của một hộ gia đình ở Anh đã tăng 54%. Reuters dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nợ tiêu dùng năng lượng ở nước này đang ở mức cao kỷ lục. Hiện có 6 triệu hộ gia đình nợ nhà cung cấp trung bình 206 bảng Anh. Trong khi đó, hóa đơn tiêu dùng năng lượng dự kiến tăng 82% trong tháng 10 tới. Tình hình này sẽ khiến những hộ gia đình có thu nhập thấp phải lựa chọn giữa sưởi ấm hoặc ăn uống trong mùa đông tới. Thậm chí, có một bộ phận người dân đã lên kế hoạch không thanh toán hóa đơn năng lượng để gây sức ép lên các nhà cung cấp. “Đây là việc làm vô trách nhiệm, cuối cùng sẽ chỉ đẩy gánh nặng chi phí cho người khác và ảnh hưởng đến đánh giá tín dụng cá nhân", phát ngôn viên Chính phủ Anh nhấn mạnh. Các chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo người dân cần nắm rõ rủi ro khi không thanh toán hóa đơn năng lượng như khoản nợ tích lũy ngày càng tăng hay bị tính thêm phí. Trong trường hợp xấu nhất, các nhà cung cấp có thể cắt điện và khí đốt.

Chính phủ Anh đang hỗ trợ 37 tỷ bảng Anh cho các hộ gia đình, trong đó có 400 bảng Anh cho hóa đơn năng lượng và 1.200 bảng Anh tiền hỗ trợ cho những gia đình dễ bị tổn thương để trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng số tiền này được cho là vẫn chưa thấm vào đâu. Nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của Chính phủ Anh hiện đang gặp cản trở do cuộc đua tranh ghế Thủ tướng để thay vị trí của ông Boris Johnson. Trong những ngày gần đây, Ngoại trưởng Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak-hai ứng cử viên tranh chức Thủ tướng chịu sức ép phải đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân trong năm tới. Các tổ chức nhân đạo cảnh báo hàng triệu người nước này có thể rơi vào cảnh nghèo đói nếu Chính phủ không tung gói hỗ trợ mới trị giá hàng tỷ bảng Anh để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng./.

Theo QĐND

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com