Người dân làm mát khi nhiệt độ lên cao tại Seville, Tây Ban Nha ngày 13/6/2022. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và tình trạng ngừng hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân Pháp, thời tiết nắng nóng và hạn hán đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Hạn hán kết hợp với nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất điện từ các tua-bin gió, thủy điện, nhà máy nhiệt điện than và lò phản ứng hạt nhân.
Pháp, vốn sở hữu nhiều nhà máy điện hạt nhân nhưng có hơn 50% trong số đó ngừng hoạt động do quá niên hạn sử dụng, là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề tại châu Âu. Tác động có thể nhìn thấy đầu tiên của tình trạng nắng nóng tới việc sản xuất điện là các nhà máy điện hạt nhân có hệ thống làm mát "ngốn" rất nhiều nước. Vào cuối chu kỳ sản xuất, nước làm mát được xả thải ra những con sông gần các nhà máy điện dẫn đến hậu quả là làm tăng nhiệt độ nước tại các con sông tới mức có nguy cơ gây hại cho đa dạng sinh học. Tuy nhiên, áp lực cung cấp điện đang ở mức mà năm nhà máy điện hạt nhân của Pháp được phép tiếp tục xả thải nước nóng ra môi trường tới giữa tháng 9.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) thông báo, một số nhà máy điện trực thuộc EDF nằm trên sông Rhône và Garonne sẽ sản xuất ít điện hơn do ảnh hưởng của đợt nắng nóng bất thường. Một hậu quả nghiêm trọng của khí hậu khắc nghiệt tại châu Âu là công suất của các nhà máy thủy điện cũng buộc phải giảm bớt do ảnh hưởng của hạn hán, đồng thời sức gió yếu ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất điện gió. Giới chuyên gia cho rằng, hàng loạt yếu tố nêu trên đã khiến các nước châu Âu phải chuyển sang sử dụng khí đốt nhiều hơn để bảo đảm nguồn cung điện năng, theo đó đẩy giá năng lượng tăng cao.
Trong hoàn cảnh khó khăn bủa vây, Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu vốn tiêu thụ năng lượng hàng đầu - cũng không phải ngoại lệ với nỗi lo thiếu nguồn cung và giá năng lượng tăng cao. Trước khó khăn đó, thủ đô Berlin buộc phải áp dụng quy định tắt bớt thiết bị chiếu sáng tại các di tích lịch sử và công trình công cộng nhằm tiết kiệm năng lượng. Khoảng 200 tòa nhà và các công trình lớn, trong đó có Tòa thị chính Berlin, Nhà hát Kịch quốc gia và Cung điện Charlottenburg, sẽ được tắt các thiết bị điện vào buổi tối.
Đối với du khách, việc tắt 1.400 thiết bị chiếu sáng (spotlight) ở các tòa nhà và công trình lịch sử, dù là quyết định bất khả kháng, cũng khiến thủ đô Berlin cổ kính giảm bớt vẻ hấp dẫn, lung linh và quyến rũ trong mắt họ. Quan chức phụ trách môi trường của Berlin, bà Bettina Jarasch lý giải, giờ không phải là lúc thành phố chú tâm vẻ bề ngoài, mà điều quan trọng là Berlin cần sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Bà kêu gọi không chỉ người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất mà cả các cơ quan nhà nước cũng cần hưởng ứng nỗ lực này, đồng thời đánh giá cao hành động tắt đèn ở các công trình và tòa nhà là hành động đúng đắn và thiết thực.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz gần đây kêu gọi toàn dân thực hiện tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá cả tăng cao do tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hưởng ứng lời kêu gọi này, một số thành phố của Đức cũng tuyên bố sẽ tăng cường cắt giảm sử dụng năng lượng và khí đốt bằng việc giảm sử dụng điều hòa nhiệt độ, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Trong bối cảnh Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt xuống còn 33 triệu mét khối mỗi ngày, bằng một nửa số lượng mà tập đoàn này cung cấp kể từ khi hoạt động trở lại sau thời gian bảo trì, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức Klaus Müller xác nhận, dòng khí đốt từ Nga sang Đức đã giảm từ 40% xuống 20% công suất kể từ ngày 27/7, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, ông Müller hoan nghênh người tiêu dùng và ngành công nghiệp đã tự nguyện giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, qua đó cho phép Đức bổ sung vào nguồn dự trữ quốc gia, hiện mới lấp đầy khoảng 65% các kho chứa. Rõ ràng, bài toán nguồn cung và giá năng lượng tăng ở châu Âu khó có thể tìm được lời giải trong một sớm một chiều.
Theo nhandan.vn