Ngày 23-8, Bộ Tư pháp Brazil thông báo phạt mạng xã hội Facebook 6,6 triệu real (khoảng 1,3 triệu USD) vì làm rò rỉ thông tin cá nhân và dữ liệu của người dùng tại nước này.
Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng quốc gia (Senacon) trực thuộc Bộ Tư pháp Brazil, cho biết thông tin cá nhân và dữ liệu của người dùng đã được Facebook giao cho Công ty tư vấn Cambridge Analytica của Anh - đơn vị tham gia cố vấn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ông Donald Trump. Cuộc điều tra từ nhà chức trách cho thấy việc chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp với Cambridge Analytica diễn ra thông qua việc cài đặt một ứng dụng phục vụ mục đích phân tích tâm lý học trong Facebook có tên “This Is Your Digital Life”. Senacon cho biết dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng Facebook đã bị rò rỉ trong vụ bê bối Cambridge Analytica, trong đó có thông tin cá nhân của hơn 443 nghìn công dân Brazil.
Hạn hán ở châu Phi đang đẩy trẻ em đến bờ vực của thảm họa
Ngày 23-8, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cung cấp số liệu cho thấy số người bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Ethiopia, Kenya và Somalia không được tiếp cận với nước sạch đã tăng từ 9,5 triệu người trong tháng 2 lên 16,2 triệu người vào tháng 7, khiến trẻ em và gia đình của mình có nguy cơ cao mắc các bệnh như dịch tả và tiêu chảy.
UNICEF cho biết khoảng 40 triệu trẻ em phải đối mặt với mức độ dễ bị tổn thương về nước từ mức cao đến cực kỳ cao ở Burkina Faso, Chad, Mali, Niger và Nigeria. Ở những nơi này, hạn hán, xung đột và mất an ninh là nguyên nhân của tình trạng mất an ninh nguồn nước. Hơn 2,8 triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel vốn đã bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, tức là các em có nguy cơ tử vong do các bệnh lây truyền qua đường nước cao gấp 11 lần so với những trẻ em được nuôi dưỡng tốt.
Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đưa công xưởng ở nước ngoài về nước
Theo báo cáo mới nhất về xu hướng dịch chuyển công xưởng Mỹ vừa được công bố ngày 23-8, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đang đưa các công xưởng từ các nước trở về Mỹ, tạo thêm được khoảng 350 nghìn vị trí việc làm cho người Mỹ chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay.
Trao đổi với tờ Wall Street Journal, giới chuyên gia sở tại nhận định đây sẽ là xu hướng dịch chuyển dài hạn do đại dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt chuỗi cung ứng gián đoạn, thậm chí tê liệt, dù toàn cầu hóa đã là xu hướng phổ biến của cả thế giới, đặc biệt là các công ty Mỹ, trong suốt hơn 30 năm qua. Thêm vào đó, xung đột Ukraine càng khiến những rủi ro liên quan tới chuỗi cung ứng gia tăng, buộc các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải định hướng lại, tìm cách đưa công xưởng trở về Mỹ để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trở về nước, tạo việc làm ở quê nhà. Việc chú trọng cắt giảm khí thải trong sản xuất cũng là một lý do khác khiến doanh nghiệp cân nhắc trở về Mỹ bởi với cơ chế tính giá xả khí thải đang được áp dụng và sẽ được áp dụng ở nhiều nơi, việc sản xuất ở nước ngoài không còn nhiều lợi thế như trước nữa./.
PV