Ảnh minh họa: Cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo OPEC, thị trường dầu mỏ thế giới trong nửa cuối năm 2022 chịu ảnh hưởng từ nguy cơ các nước thắt chặt trở lại các biện pháp phòng, chống Covid-19, cũng như những bất ổn địa chính trị. OPEC nhận định, kinh tế thế giới dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, điều chỉnh giảm so với mức 3,5% được đưa ra trong dự báo tháng 5.
Giải thích về việc hạ dự báo lần này, OPEC cho biết, các nền kinh tế lớn chứng kiến tăng trưởng quý II/2022 yếu hơn cùng kỳ và có dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy giảm hơn nữa. Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy, đại dịch Covid-19 kéo dài, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao ở nhiều khu vực và việc một số ngân hàng trung ương dự báo tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU).
Trước bức tranh kinh tế ảm đạm, OPEC cũng dự báo rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ chỉ ở mức khoảng 100 triệu thùng/ngày, giảm so với ước tính 100,3 triệu thùng/ngày trong vài tháng gần đây. OPEC cho biết, một số thành viên của tổ chức này đang phải chật vật đáp ứng hạn ngạch sản lượng hằng tháng.
Theo thống nhất trên văn bản thì ở thời điểm này của năm, sản lượng dầu của OPEC+ đã phục hồi về mức trước dịch Covid-19, nhưng trên thực tế 23 quốc gia thuộc OPEC+ đều đang chật vật tìm cách hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, Mỹ kêu gọi đồng minh Saudi Arabia, một trong các thành viên chủ chốt của OPEC+, nâng sản lượng để kiềm chế lạm phát tăng nhanh, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao.
Sau khi cắt giảm sản lượng trong năm 2020 do giá dầu xuống thấp trong đại dịch Covid-19, OPEC và các đối tác (OPEC+) đã bắt đầu tăng nhẹ sản lượng trong năm 2021 và điều chỉnh chính sách hằng tháng. Lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, OPEC+ đã có những bước điều chỉnh tăng sản lượng dầu mỏ một cách thận trọng.
Theo thống nhất trên văn bản thì ở thời điểm này của năm, sản lượng dầu của OPEC+ đã phục hồi về mức trước dịch Covid-19, nhưng trên thực tế 23 quốc gia thuộc OPEC+ đều đang chật vật tìm cách hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, Mỹ kêu gọi đồng minh Saudi Arabia, một trong các thành viên chủ chốt của OPEC+, nâng sản lượng để kiềm chế lạm phát tăng nhanh, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao.
Hồi tháng 7, nhà lãnh đạo Mỹ đã có chuyến thăm Saudi Arabia nhằm thuyết phục Riyadh bơm thêm dầu để bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát. Trong cuộc họp diễn ra đầu tháng 8, OPEC+ đã quyết định tăng nhẹ sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 nhằm kiềm chế giá “vàng đen” ngày càng tăng.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng lo ngại nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, việc OPEC+ quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu và các dữ liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng đã giúp kiềm chế đà tăng của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn cung năng lượng ở nhiều nước khiến chi phí cho nhiên liệu, trong đó có dầu mỏ, tiếp tục là thách thức lớn của nhiều quốc gia, cản trở đà phục hồi.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong dự báo gần đây đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành hiện thực, có thể đẩy kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái. Theo IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 dự báo sẽ xuống 3,2%, so mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Trong một tuyên bố, Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier (Pi-e Ô-li-vi-ê) nêu rõ: “Triển vọng trở nên u ám kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm ngấp nghé bờ vực suy thoái, chỉ hai năm sau lần suy thoái mới đây nhất”. Và tâm lý lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại phần nào tác động tới sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
Theo nhandan.vn