Ấn Độ tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng nước

08:08, 25/08/2022

Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng xuất phát từ cuộc khủng hoảng nước trầm trọng nhất trong lịch sử, khi phần lớn nguồn nước hiện tại bị nhiễm bẩn, góp phần gây ra cái chết của hàng trăm nghìn người dân mỗi năm. 

Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng nước.  Ảnh: eastasiaforum.org

Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng nước.

Ảnh: eastasiaforum.org

Tình trạng khan hiếm nước sạch cũng đe dọa an ninh lương thực của quốc gia này. Chaya Badushi sống ở làng Kerawadi, cách “thủ đô tài chính” Mumbai của Ấn Độ khoảng 190km và cuộc sống nơi đây cũng khác xa cuộc sống tại trung tâm tài chính vốn xa hoa, náo nhiệt. Như những phụ nữ khác trong làng, hai lần mỗi ngày, Chaya phải tới một con sông để lấy nước phục vụ sinh hoạt cho gia đình, một lần lúc 6 giờ, một lần vào 15 giờ. Mỗi lượt đi về tiêu tốn của cô khoảng 4 giờ. “Vào mùa hè, trời nóng bức tới mức nhiều người trong chúng tôi đã ngất xỉu khi đi lấy nước... Tôi thường xuyên bị đau đầu, đau lưng vì gánh nước. Đối với mẹ chồng tôi, tình hình còn tệ hơn nữa. Bà đã có thâm niên hơn 60 năm phải vật lộn với những gánh nước”, Chaya than thở.

Những gian nan trong hành trình đi lấy nước đã có tác động không nhỏ tới tâm lý của người dân địa phương. Phụ nữ trẻ không muốn dành cả đời đi gánh nước nên có tâm lý ngại kết hôn với đàn ông trong làng. Điều đó khiến ngày càng nhiều đàn ông địa phương gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời.

Câu chuyện của Chaya khá phổ biến ở vùng nông thôn Ấn Độ. Theo số liệu do Chính phủ Ấn Độ công bố, bất chấp những cải thiện gần đây, khoảng một nửa số hộ gia đình nông thôn vẫn chưa được dùng nước máy. Nước sạch không chỉ là vấn đề của các hộ gia đình. Bảo đảm có đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng là một thách thức lớn với chính quyền nước này.

Theo các số liệu chính thức, Ấn Độ chiếm khoảng 17% dân số thế giới nhưng chỉ chiếm 4% nguồn nước ngọt trên thế giới. Điều đó khiến Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia chịu áp lực nặng nề nhất về nguồn nước trên hành tinh và đặt ra câu hỏi về tương lai nền sản xuất nông nghiệp ở quốc gia Nam Á này.

Báo cáo của Cơ quan Cải cách thể chế quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) cho biết, khoảng 74% diện tích trồng lúa mì và 65% diện tích trồng lúa của Ấn Độ sẽ phải đối mặt với mức độ khan hiếm nước nghiêm trọng vào năm 2030.

Một trong những khó khăn của việc lập kế hoạch phân bổ nguồn nước là do đặc điểm khí hậu ở quốc gia này. Khoảng 80% lượng mưa hằng năm tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 9 và trong thời gian đó, có những trận mưa lớn kéo dài tới 25 ngày liên tiếp. Điều này cũng có nghĩa là khoảng 1/7 diện tích quốc gia Nam Á này có nguy cơ bị ngập lụt trong thời kỳ mưa dữ dội nhất.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn của NITI Aayog về các vấn đề nước Avinash Mishra, tình trạng khan hiếm nước ở Ấn Độ chủ yếu liên quan đến những bất cập trong việc quản lý các nguồn tài nguyên sẵn có: “Chúng ta sử dụng nước sạch chưa hợp lý, xả nước thải chưa qua xử lý vào các dòng kênh và khu vực sông ngòi, dẫn đến làm ô nhiễm nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng đang bị khai thác quá mức”.

Bộ Jal Shakti, cơ quan giám sát tài nguyên nước của Ấn Độ, đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai các dự án thủy văn quốc gia. Theo đó, Ấn Độ sẽ tạo ra dữ liệu thời gian thực từ các sông, hồ chứa trên khắp đất nước. Khoảng 6.000 cảm biến đang được lắp đặt trên khắp Ấn Độ để thu thập dữ liệu về sông hồ. 1.600 cảm biến khác sẽ theo dõi mạch nước ngầm. 

Tất cả được kết nối với mạng điện thoại di động và truyền dữ liệu thời gian thực, bao gồm mực nước, điều kiện thời tiết, lượng mưa, độ ẩm và áp suất không khí. Dữ liệu này được đưa lên hệ thống để bất kỳ ai cũng có thể xem được. Một phần mềm phân tích dữ liệu cũng đang được phát triển để giúp nhà chức trách đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng được hướng dẫn cách trữ nước mưa và sử dụng các kênh tưới tiêu hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp. Theo bà Marcella D’Souza đến từ Tổ chức Watershed Organisation Trust: “Tình hình khan hiếm nước rất phức tạp và không cơ quan nào có thể xử lý vấn đề này một cách đơn độc... Cộng đồng địa phương có trách nhiệm chia sẻ, hợp tác cùng nhau để bảo vệ nguồn nước. Họ cần được trau dồi kiến thức để cư xử hợp lý với nguồn nước”./.

Theo QĐND

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com