Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một đợt bùng phát virus mới sau khi Ghana ghi nhận các ca tử vong đầu tiên do nhiễm virus Marburg. Đây là lần đầu tiên virus gây chết người giống virus Ebola được tìm thấy ở quốc gia Tây Phi và là lần thứ hai nó xuất hiện trong khu vực.
Trong một văn bản công bố ngày 17-7, WHO cho biết các mẫu máu xét nghiệm của hai người tử vong tại vùng Ashanti phía Nam Ghana dương tính với virus Marburg. Cả hai bệnh nhân đều có các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn và tử vong trong vòng một ngày sau khi nhập viện hồi cuối tháng 6. Một bệnh nhân 26 tuổi, người còn lại 51 tuổi. Hiện ít nhất 90 người khác tiếp xúc với hai bệnh nhân đã được nhận diện và chịu sự theo dõi của giới chức y tế địa phương cũng như WHO. Cơ quan y tế toàn cầu cho biết họ cũng đang hỗ trợ Ghana, cung cấp thiết bị bảo hộ, tăng cường giám sát dịch bệnh, xét nghiệm, truy tìm những người tiếp xúc và nâng cao nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và nguy hiểm của căn bệnh này.
32 nghìn người Pháp phải di tản vì nắng nóng
Trong ngày 19-7, nắng nóng đỉnh điểm sẽ tiếp tục hoành hành tại Pháp nhưng chuyển dịch dần sang các tỉnh phía Đông. Riêng tại Thủ đô Paris, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 41 độ C.
Nắng nóng gay gắt khiến cho tình hình cháy rừng tại Pháp càng thêm nghiêm trọng. Tại tỉnh Gironde ở Tây Nam, các đám cháy lan rộng đã thiêu rụi trên 17 nghìn ha rừng thông, đồng thời khiến thêm 16 nghìn người dân và du khách phải di tản. Tổng cộng, kể từ ngày 12-7, đã có trên 32 nghìn người phải bỏ nhà cửa cũng như các khu cắm trại hè để lánh nạn, đã có ít nhất 5 trại hè bị hoả hoạn thiêu cháy. Nhà chức trách Pháp đã huy động trên 1.700 lính cứu hoả từ khắp các địa phương trên cả nước cùng hầu như toàn bộ số lượng máy bay chữa cháy để dập lửa nhưng vẫn chưa thể khống chế các đám cháy do nhiệt độ cao và gió mạnh lên tới 80km/h khiến ngọn lửa gần như không thể khống chế.
Indonesia ưu tiên phát triển công nghiệp hạ nguồn dầu cọ
Trong một tuyên bố ngày 18-7, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Kartasasmita cho biết, ngành công nghiệp chế biến dầu cọ hiện thu hút hơn 5,2 triệu lao động trực tiếp và hỗ trợ cuộc sống của 20 triệu người. Năm 2021, xuất khẩu dầu cọ đạt 40,31 triệu tấn với tổng trị giá 35,79 tỷ USD, tăng 56,63% so với năm 2020.
Năm 2011, Indonesia chỉ sản xuất 54 sản phẩm dầu cọ ở hạ nguồn. Hiện con số này đã lên tới 168 sản phẩm, bao gồm dầu ăn, dược phẩm, dinh dưỡng, hóa chất, oleochemical, nhiên liệu tái tạo/diesel sinh học. Trong thời gian tới, Bộ Công nghiệp Indonesia sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích đối với ngành công nghiệp chế biến để sản xuất các sản phẩm phái sinh có chất lượng và có tính cạnh tranh cao./.
PV