Vắc-xin - Tấm khiên bảo vệ nhân loại trước dịch bệnh

09:07, 20/07/2022

Thế giới đang chứng kiến bước lùi lịch sử khi hàng chục triệu trẻ em đứng trước nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm do bỏ lỡ những mũi tiêm cơ bản. Nếu không kịp thời đảo ngược xu hướng này, cái giá phải trả không chỉ là những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế - xã hội mà cả sinh mạng và tương lai của trẻ nhỏ.

Trong những thập niên qua, nhiều trẻ em trên thế giới được bảo vệ trước các căn bệnh nguy hiểm chết người bằng những mũi vắc-xin phòng bệnh cơ bản. Tuy nhiên, những thành quả mà nhân loại nỗ lực trong nhiều năm để đạt được lại đang đứng trước nguy cơ bị đảo ngược. Theo số liệu thống kê tại 177 quốc gia, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố mới đây, năm 2021, số trẻ em trên thế giới không được tiêm chủng định kỳ để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như: bạch hầu, ho gà, uốn ván lên tới khoảng 25 triệu, tăng 6 triệu trẻ em so thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. 

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell mô tả, sự sụt giảm mạnh tỷ lệ bao phủ vắc-xin là bước lùi kéo dài, gây ảnh hưởng cả một thế hệ và đưa tỷ lệ tiêm chủng trở lại mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu những năm 2000.

Tỷ lệ bao phủ các loại vắc-xin cơ bản giảm tại tất cả các khu vực trên thế giới, trong đó Đông Á và Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Số trẻ em không được tiêm chủng tăng tới 37% trong giai đoạn 2019-2021, khiến số trẻ có nguy cơ mắc các bệnh đã có vắc-xin phòng ngừa có khả năng tăng dần trong tương lai. Đáng lo ngại là, hầu hết những đứa trẻ này sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. 

Theo các nhà khoa học, trẻ em bị suy dinh dưỡng thường có hệ thống miễn dịch kém và dễ bị tử vong hơn khi mắc bệnh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng nhanh, do cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, cùng việc không được tiêm chủng đầy đủ đã nhân đôi nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ em tại các nước nghèo.

Nguyên nhân sụt giảm tỷ lệ bao phủ các loại vắc-xin cơ bản được cho là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Các cuộc xung đột triền miên, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thông tin sai lệch về vắc-xin tràn lan là những hòn đá tảng làm chệch hướng nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ cũng khiến hệ thống y tế toàn cầu quá tải, gây gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng.

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp dẫn đến các đợt bùng phát nghiêm trọng bệnh sởi, bại liệt tại Somalia, Yemen, Nigeria, Afghanistan, Ethiopia và nhiều quốc gia khác. Sự gia tăng đột ngột số ca bệnh, vốn có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với chính phủ các nước, cũng như các tổ chức quốc tế. Việc gián đoạn dịch vụ tiêm chủng không chỉ gây tác động trước mắt, mà hậu quả còn kéo dài trong nhiều thập niên tới. 

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh, nếu không đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, cái giá phải trả sẽ rất đắt, được tính bằng tương lai, thậm chí là sinh mạng của trẻ em. Ngoài ra, thế giới có thể phải chứng kiến thêm nhiều đợt bùng phát dịch, làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống y tế, đồng thời kéo theo các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cảnh báo, đại dịch COVID-19 “chưa có dấu hiệu chấm dứt”. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp tục chứng kiến các làn sóng COVID-19 mới. Trong bối cảnh đó, WHO khuyến cáo triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà song song với nỗ lực phòng, chống COVID-19. 

Sớm đưa các chiến dịch tiêm chủng thiết yếu trở về đúng hướng là yêu cầu quan trọng để thế giới xây dựng “tấm khiên” vững chắc bảo vệ trẻ em và cũng là bảo vệ nhân loại trước sự tấn công của các dịch bệnh trong tương lai./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com