Nhiều quốc gia giải "cơn khát" năng lượng bằng than đá

08:07, 22/07/2022

Trong bối cảnh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt tại châu Âu đang dần hiện hữu, nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã lựa chọn quay trở lại với than đá, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.

Nhà máy nhiệt điện than ở Nochten, Đức.  Ảnh: Reuters

Nhà máy nhiệt điện than ở Nochten, Đức.

Ảnh: Reuters

Mới đây, Đức cùng với Áo, Pháp, Hà Lan đã tuyên bố kích hoạt lại các nhà máy điện chạy bằng than để giảm bớt “cơn khát” năng lượng, bất chấp cam kết trước đó là giảm tiêu thụ nhiên liệu này để chống biến đổi khí hậu. Trong một đoạn video được đăng tải mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định mở cửa hoạt động trở lại của 16 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và gia hạn giấy phép hoạt động thêm 11 nhà máy khác. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Đức lo ngại nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sẽ tiếp tục bị cắt giảm khi mùa đông đang tới gần.

Tuy nhiên, ông Olaf Scholz khẳng định, quyết định này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn và Chính phủ Đức vẫn cam kết làm mọi thứ để chống lại biến đổi khí hậu. Thủ tướng Đức nhấn mạnh, nước này vẫn cam kết chấm dứt phát thải khí nhà kính vào năm 2045, sớm nhất trong số các quốc gia công nghiệp hóa lớn và lưu ý rằng, một gói biện pháp gần đây đã được Quốc hội nước này thông qua để thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo.

Hiện tại, Đức phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, đặc biệt là than và khí đốt, với gần 45% sản lượng điện được sản xuất theo cách này. Thật khó khăn cho nền kinh tế đầu tàu EU khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhiên liệu trong bối cảnh dòng chảy năng lượng từ Nga giảm dần. Từ cuối tháng 6, chính phủ nước này đã kích hoạt giai đoạn 2 - "giai đoạn báo động" của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn, qua đó cho phép các công ty điện được chuyển chi phí khí đốt sang người tiêu dùng. Theo RT, nếu giai đoạn thứ ba của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt được kích hoạt, Đức sẽ áp dụng chế độ phân bổ khí đốt.

Đương nhiên, không riêng Đức phải nếm trải “vị đắng” do thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga. “Cơn ác mộng” năng lượng tồi tệ nhất đã phủ bóng xuống châu Âu khi “lục địa già” phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài và giá năng lượng tăng vọt. Ông Alex Munton, Chuyên gia tư vấn về thị trường khí đốt toàn cầu tại Tập đoàn năng lượng Rapidan cho biết, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt lên gần 50 USD/MMBTu, gấp khoảng 10 lần mức tăng giá ở Mỹ. Chuyên gia này nói, đây là mức giá cao bất thường và hiện không có giải pháp ngay lập tức.

Hiện tại, lượng dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ còn khoảng 62%. Giới chuyên gia cho rằng, khả năng đạt được mục tiêu ít nhất 80% trong mùa đông sẽ rất khó khăn. “Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt nhất từng xảy ra ở châu Âu. Châu lục này đang đối mặt với viễn cảnh thực tế là không có đủ khí đốt khi cần nhất, vào thời điểm lạnh nhất trong năm”, ông Munton nhận định.

Để giải “bài toán” năng lượng trước khi mùa đông đến, mục tiêu của các quốc gia châu Âu là giảm mức tiêu thụ khí đốt hiện nay, đưa lượng khí đốt tiết kiệm được vào kho dự trữ. Đây cũng là lý do Hà Lan đã sửa đổi luật, cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động hết công suất cho đến cuối năm 2023. Pháp và Áo cũng đều có kế hoạch mở lại các cơ sở sản xuất điện từ than đá để bù đắp nguồn khí đốt thâm hụt từ Nga.

Thế nhưng, liệu giải “cơn khát” năng lượng bằng than đá có phải là giải pháp đúng đắn và phù hợp về lâu dài? Ai cũng biết than là loại nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều khí thải nhất và bị coi là một trong những “thủ phạm” khiến Trái Đất nóng lên. Trong quá trình sử dụng, việc khai thác và xử lý, phân phối than đá cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên và môi trường xung quanh.

Sự trỗi dậy của loại nhiên liệu thải ra gấp đôi lượng CO2 so với khí đốt được cho là sẽ đe dọa các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mục tiêu mà hơn 190 quốc gia đã nhất trí theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Có lẽ cũng vì lý do này mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ sự không đồng tình với việc một số quốc gia EU đang tiếp tục ủng hộ năng lượng hóa thạch thay vì đầu tư đủ vào năng lượng tái tạo. “Chúng ta phải bảo đảm dùng chính cuộc khủng hoảng này để tiến lên phía trước chứ không phải đi lùi về phía nhiên liệu hóa thạch bẩn”, bà Ursula von der Leyen nhận định./.

Theo QĐND

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com