Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana ngày 5/7 khẳng định, liên minh quân sự này không có kế hoạch gửi quân đến Thụy Điển hay Phần Lan, sau khi 2 nước này hoàn tất thủ tục trở thành thành viên dự kiến trong tuần này.
Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: REUTERS) |
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin AFP, Phó Tổng Thư ký NATO cho biết, khối không có kế hoạch gửi thêm quân đến 1 trong 2 quốc gia, vì hiện các nước này đang có lực lượng quốc phòng vững chắc, đủ khả năng tự vệ.
Bên cạnh đó, NATO cũng không có kế hoạch đặt căn cứ ở cả Thụy Điển và Phần Lan, bởi 2 nước có năng lực quân sự và chiến lược cao.
Sau khi quá trình gia nhập được khởi động trong ngày 5/7, dự kiến quốc hội ở tất cả 30 quốc gia NATO sẽ phê chuẩn tư cách của Thụy Điển và Phần Lan.
Phó Tổng Thư ký NATO Mircea Geoana bày tỏ hy vọng tiến trình này sẽ nhanh chóng được hoàn thành, đồng thời cho biết "nhiều quốc gia đã khởi động" các bước tiến tới việc phê chuẩn, dù từ chối đưa ra một thời gian biểu chính xác.
Cùng ngày 5/7, 30 nước thành viên NATO đã ký nghị định thư kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, động thái mở rộng quan trọng nhất của liên minh này kể từ giữa những năm 1990.
Phát biểu tại họp báo chung với các Ngoại trưởng của Thụy Điển và Phần Lan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, đây là thời khắc mang tính lịch sử. Ông nhấn mạnh với 32 thành viên, NATO sẽ trở nên mạnh hơn.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết, quá trình phê chuẩn bởi từng thành viên trong NATO sẽ chính thức bắt đầu.
Việc ký nghị định thư này đồng nghĩa rằng Phần Lan và Thụy Điển có thể tham gia vào các cuộc họp của NATO và tiếp cận sâu hơn về tình báo, song sẽ chưa được bảo vệ theo điều khoản phòng vệ của NATO, cho đến khi quy trình gia nhập được phê chuẩn hoàn toàn.
Trước đó, vào ngày 4/7, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde và người đồng cấp Phần Lan Pekka Haavisto đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán với NATO, chính thức khởi động tiến trình gia nhập liên minh quân sự này.
Cuộc đàm phán được tổ chức sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, 1 thành viên của NATO, ngừng phản đối việc này.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) hồi tuần trước đã chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ.
Theo Hiến chương NATO, việc kết nạp thành viên mới cần phải nhận được sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên hiện nay của liên minh, thông qua quá trình đàm phán với rất nhiều thủ tục.
Thông thường, việc kết nạp thành viên mới thường cần khoảng từ 8-12 tháng, song NATO đang muốn đẩy nhanh quá trình này.
Theo nhandan.vn