Sau khi xuất hiện ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, bệnh đậu mùa khỉ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC). Điều này báo hiệu nguy cơ lớn về y tế, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều quốc gia để ngăn chặn bệnh lây lan.
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại trung tâm y tế ở Lobaya, Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin AFP, ngày 23-7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là PHEIC-mức báo động cao nhất mà cơ quan này phát đi. “Tôi đã quyết định tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng mà quốc tế lo ngại”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh. Tuyên bố được Tổng giám đốc WHO đưa ra dù thiếu sự đồng thuận giữa các chuyên gia trong Ủy ban khẩn cấp của WHO. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu WHO có quyết định như vậy. Ông Ghebreyesus mô tả bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Theo ông, đã có hơn 16 nghìn ca nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 ca tử vong. Người đứng đầu WHO đánh giá, đợt bùng phát đã lan nhanh khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới. Do đó, ông Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và bảo đảm rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vắc-xin và thuốc kháng virus.
Đây là lần thứ hai trong hơn hai năm qua WHO phải ban bố PHEIC. Lần đầu là với đại dịch COVID-19. PHEIC được WHO định nghĩa như một sự kiện bất thường, tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia thông qua sự lây lan của một dịch bệnh quốc tế và yêu cầu các phản ứng phối hợp từ nhiều quốc gia.
Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở nhiều nơi tại khu vực Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ nhưng không có các ca bệnh lây lan ra bên ngoài châu Phi. Tuy nhiên, hồi tháng 5 vừa qua, các nhà chức trách báo cáo xuất hiện nhiều ca nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và những nơi khác. Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan sang người từ các động vật hoang dã bị nhiễm bệnh như loài gặm nhấm. Trong khi đó, ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở những người không có liên hệ với động vật hoặc không du lịch sang châu Phi trong thời gian gần đây.
Theo WHO, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm sốt, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức và phát ban giống thủy đậu trên tay, mặt. Virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền khi tiếp xúc với các tổn thương da hoặc các giọt bắn của người nhiễm bệnh, cũng như qua các vật dụng dùng chung. Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Ngoài ra, cần duy trì thói quen thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường cũng như che miệng khi ho, hắt hơi. Những người có các triệu chứng cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi và tư vấn kịp thời. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, virus đậu mùa khỉ với virus đậu mùa có điểm tương tự. Điều đó có nghĩa là các loại thuốc kháng virus và vắc-xin được phát triển để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh, việc đưa ra quyết định bệnh đậu mùa khỉ là PHEIC nhằm bảo đảm cộng đồng quốc tế quan tâm tới các đợt bùng phát hiện nay một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, tuyên bố của WHO cũng có thể khiến các nước đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí nhằm chia sẻ vắc-xin, phương pháp điều trị. CDC thông báo, cơ quan này hy vọng tuyên bố của WHO sẽ thúc đẩy những nỗ lực chung của quốc tế để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ./.
Theo QĐND