Kinh tế châu Âu lao đao trước nắng nóng

07:07, 29/07/2022

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao và đồng euro suy yếu, những cơn sóng nhiệt bất thường khiến nền kinh tế châu Âu lao đao.

Mực nước sông Rhine (Đức) xuống thấp trong đợt nắng nóng.  Ảnh: Getty Images

Mực nước sông Rhine (Đức) xuống thấp trong đợt nắng nóng.

Ảnh: Getty Images

Theo CNN, nhà kinh tế hàng đầu Carsten Brzeski tại Ngân hàng ING (Hà Lan) mới đây đã đưa ra danh sách các yếu tố có thể khiến nền kinh tế châu Âu lâm vào suy thoái. Đó là mức lạm phát ở châu Âu đang cao kỷ lục. Tình trạng lạm phát ngày càng trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine. 

Bên cạnh đó, đồng euro suy yếu khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải trả nhiều tiền hơn. Khi đề cập đến các yếu tố tác động đến nền kinh tế “lục địa già”, ông Brzeski đặc biệt chú ý tới tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở khu vực này.

Châu Âu đang phải trải qua một mùa hè hanh khô với nắng nóng gay gắt. Làn sóng nhiệt khiến Pháp và Tây Ban Nha phải vật lộn với nạn cháy rừng nghiêm trọng. Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đang làm đau đầu các doanh nghiệp, gây sức ép lên các hoạt động kinh tế ở châu Âu.

Mực nước sông Rhine ở Đức đã thấp đến mức hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng. Đây là tuyến đường thủy có vai trò quan trọng đối với hoạt động vận chuyển các mặt hàng như than đá vốn có nhu cầu cao hơn khi Berlin chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ nhằm chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. 

Theo dữ liệu từ Viện Thủy văn Liên bang Đức, mực nước sông Rhine hiện chỉ bằng 45% mức trung bình ghi nhận vào thời điểm này trong năm, điều đó tạo ra khó khăn cho các tàu vận chuyển hàng hóa, đồng thời dự báo tình trạng trên có thể kéo dài đến hết tháng 8.

Ông Eric Heymann, nhà phân tích tại Deutsche Bank, cho rằng mực nước thấp đồng nghĩa với việc tàu thuyền phải giảm tải trọng hoặc thậm chí dừng hoạt động. “Đây là một sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng và là mối đe dọa với việc cung cấp năng lượng”, ông Heymann nhấn mạnh. 

Những lo ngại về sông Rhine có thể đè nặng lên lĩnh vực sản xuất cực kỳ quan trọng của Đức như hồi dòng sông quá khô cạn vào năm 2018. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel phát hiện ra rằng trong một tháng có 30 ngày mực nước sông thấp thì sản lượng công nghiệp của Đức giảm khoảng 1%.

Trong khi đó, nhiệt độ nước ấm ở Pháp đang cản trở hoạt động của một số nhà máy điện hạt nhân. Vì các nhà máy dựa vào những con sông để làm mát lò phản ứng. Tập đoàn điện lực quốc gia Pháp (EDF) cho biết 3 lò phản ứng đang phải hoạt động với công suất thấp hơn do nhiệt độ nước các con sông gần đó đã tăng lên. Vì lý do này, sản lượng thủy điện ở châu Âu dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Còn ở Italy, những người nông dân đang vất vả với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, ảnh hưởng đến sản xuất các loại cây trồng. Sông Po ở nước này đang có mực nước thấp kỷ lục do hạn hán nghiêm trọng. Con sông chảy qua vùng trung tâm của Italy, nơi sản xuất 30% lượng lương thực của Italy.

Trong giai đoạn 1980-2020, các quốc gia trong Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) ước tính đã bị thiệt hại từ 450 tỷ euro (460 tỷ USD) đến 520 tỷ euro (532 tỷ USD) do những vấn đề liên quan đến khí hậu. Các chuyên gia dự báo rằng mức tổn thất chắc chắn sẽ còn tăng lên trong những năm tới. 

Ông Tom Burke, nhà đồng sáng lập của Tổ chức tư vấn về khí hậu E3G, cho biết, châu Âu đang nổi lên như một “điểm nóng” về sóng nhiệt. Điều này sẽ tác động đến lĩnh vực du lịch cũng như năng suất của người lao động ở khu vực.

Những vấn đề liên quan đến khí hậu có thể thúc đẩy lạm phát ở châu Âu trong bối cảnh khu vực này đang vật lộn để đối phó với giá thực phẩm và nhiên liệu tăng. Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 8,6% vào tháng 6 vừa qua. 

Tình hình này buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất như một biện pháp ứng phó mạnh mẽ, nhưng năng lực hành động của ECB có thể bị hạn chế khi hoạt động kinh tế suy giảm. Khu vực đồng euro (Eurozone) đã chứng kiến sản lượng giảm trong tháng 7. Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế Eurozone có thể sẽ giảm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Tình hình trong mùa thu và mùa đông có thể còn khó khăn hơn./.

Theo Báo QĐND

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com