Iran tái khẳng định chính sách chiến lược của Tehran là tìm cách sử dụng công nghệ hạt nhân vì các mục đích hòa bình trong khuôn khổ luật pháp và quy tắc quốc tế.
Ngày 17/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã lên tiếng phản đối một số bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du Trung Đông vừa qua mà Tehran cho rằng đang kích động tâm lý bài Iran trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani. (Nguồn: tasnimnews) |
Trong tuyên bố chung Mỹ-Israel đưa ra tại Jerusalem ngày 14/7, ông Biden nêu rõ, Mỹ sẽ vận dụng mọi khía cạnh sức mạnh quốc gia để thực hiện cam kết không cho phép Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, tiếp tục cam kết hợp tác với các đối tác để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Kanaani tái khẳng định chính sách chiến lược của Tehran là tìm cách sử dụng công nghệ hạt nhân vì các mục đích hòa bình trong khuôn khổ luật pháp và quy tắc quốc tế.
Iran cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc.
Người phát ngôn này nhấn mạnh chính sách nghiêm ngặt và có tính xây dựng của Iran là hoan nghênh đối thoại với các nước láng giềng và các sáng kiến khu vực, bày tỏ hy vọng chính phủ các nước trong khu vực sẽ thực hiện các bước mang tính xây dựng ủng hộ một không gian an ninh tập thể, vì sự hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Trong một động thái khác, cùng ngày, kênh tiếng Arab của hãng tin Al Jazeera (Qatar) dẫn lời cố vấn cấp cao của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei nói rằng, về mặt kỹ thuật thì nước này đã có khả năng chế tạo bom hạt nhân nhưng chưa quyết định có thực hiện điều này hay không.
Theo Al Jazeera, cố vấn Kamal Kharrazi cho biết, Iran có thể làm giàu urani ở mức lên tới 60% chỉ trong vài ngày và có thể dễ dàng sản xuất urani được làm giàu ở mức 90%.
Iran có các phương tiện kỹ thuật để sản xuất bom hạt nhân nhưng nước này chưa có quyết định về việc chế tạo loại vũ khí này.
Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà nước này cùng các nước còn lại trong nhóm P5+1 là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đã ký kết với Iran vào năm 2015, nhằm gây sức ép buộc Tehran thỏa thuận lại, đặc biệt là các vấn đề liên quan chương trình tên lửa và chính sách khu vực của nước này.
Theo thỏa thuận còn có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran cam kết hạn chế hoạt động là giàu urani, một bước để tiến tới phát triển vũ khí hạt nhân, để đổi lại các nước dỡ bỏ trừng phạt kinh tế với quốc gia Trung Đông.
Khoảng 1 năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và dần áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, Tehran cũng quyết định thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận và khẳng định mọi bước đi sẽ được đảo ngược nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và trở lại thỏa thuận.
Mọi nỗ lực đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ nhằm khôi phục thỏa thuận được thực hiện từ tháng 3 đến nay đều bế tắc. Cố vấn Kharrazi khẳng định Tehran sẽ không bao giờ đàm phán về chương trình tên lửa và chính sách khu vực.
Theo nhandan.vn