Hồi chuông cảnh báo

08:07, 21/07/2022

Từ một thiên đường du lịch, giờ đây Sri Lanka đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Câu chuyện của quốc đảo Nam Á đã phát đi tín hiệu cảnh báo đối với những nước đang ngập trong nợ nần.

Sri Lanka đã gặp phải những rắc rối về tài chính khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Dịch bệnh khiến doanh thu từ du lịch của nước này sụt giảm đáng kể. Sau khi tuyên bố vỡ nợ, Sri Lanka bước vào thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”, không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Tình trạng này kéo theo bất ổn chính trị và xã hội nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka là các khoản nợ quá lớn, lạm phát gia tăng và những sai lầm trong quản lý tài chính. 

Tuy nhiên, Sri Lanka không phải là nền kinh tế duy nhất gặp khó khăn nghiêm trọng khi giá lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác tăng cao. Do đó, câu chuyện của Sri Lanka là hồi chuông cảnh báo cho những quốc gia đang ngập trong nợ nần hoặc đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Theo The Wall Street Journal, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Những khoản nợ nước ngoài của các nước này ngày một chồng chất trong những năm gần đây. 

Đại dịch COVID-19 cùng chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao do xung đột ở Ukraine càng tạo gánh nặng lớn cho họ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải cung cấp gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 4 tỷ USD cho Pakistan khi nước này suýt vỡ nợ và liên tục lâm vào cảnh mất điện trong những tuần gần đây do chi phí nhập khẩu nhiên liệu tăng.

Giới phân tích cho biết, thỏa thuận mới với IMF sẽ cho phép Islamabad thanh toán các hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu trong những tháng tới. Trong khi đó, để giải quyết những thách thức kinh tế, Chính phủ Tunisia cũng đang đàm phán với IMF về gói cứu trợ trị giá 4 tỷ USD. Ngoài ra, một số quốc gia khác như Zambia và Lebanon đang nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ trên toàn thế giới để có được các khoản vay mới hoặc cơ cấu lại số tiền nợ. 

The Wall Street Journal nhận định, trên thực tế, dù hầu hết các nước trên thế giới đều cảm nhận được tác động của tình trạng tăng giá nhiên liệu và thực phẩm, song mối lo ngại lớn nhất lại nằm ở những nước vay nợ nước ngoài lớn như Sri Lanka. Các nước này hiện phải đối mặt với áp lực cao hơn khi đồng USD tăng mạnh. Đồng nội tệ mất giá và chi phí đi vay cao hơn cũng làm tăng chi phí trả nợ bằng USD.

Tại Ghana, lạm phát đã tăng lên 29,8% hồi tháng 6 vừa qua. Đây là mức cao nhất trong 19 năm trở lại đây. Trong khi đó, đồng Cedi của nước này đã mất 24% giá trị so với đồng USD kể từ tháng một năm nay. Trước tình hình này, Ghana cũng đã yêu cầu IMF cung cấp gói giải cứu. 

Trong thời bão giá, chính phủ các nước có nền tài chính không ổn định phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Nhiều quốc gia cố gắng ứng phó với lạm phát lương thực và năng lượng bằng cách tung ra các khoản trợ cấp mới và thúc đẩy chương trình chi tiêu xã hội.

Giới phân tích cảnh báo, cách làm này sẽ khiến nhiều nước vốn đang phải gồng mình chi trả các khoản nợ lớn rơi vào tình trạng điêu đứng. Mặt khác, để củng cố tài chính quốc gia, một số nước chọn cách cắt giảm trợ giá lương thực và nhiên liệu. Động thái như vậy có nguy cơ gây ra phản ứng giận dữ từ người dân vốn đã quá mệt mỏi vì vật giá leo thang. 

Tại các thành phố lớn của Uganda, chính quyền nước này phải triển khai quân đội để ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối giá cả tăng cao.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển từ mức 4,6% xuống còn 3,4% trong năm nay. Trong khi đó, IMF ước tính 38 quốc gia đang phát triển trên thế giới có nguy cơ gặp rắc rối về nợ - vấn đề đã đẩy Sri Lanka vào khủng hoảng.

Ông Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa lý kinh tế tại Hội đồng Đại Tây Dương (một tổ chức tư vấn quốc tế), nhận định: “Bài học lịch sử cho thấy cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng khác. Những biến động về kinh tế và chính trị luôn đan xen, không thể tách rời”./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com